Triển vọng gia nhập ASEAN của Đông Timor

Đông Timor đã đạt được nhiều thành tựu trong tiến trình phát triển, góp phần thúc đẩy tiến trình gia nhập ASEAN của nước này.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác nước Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste (Đông Timor), Hernani Coelho da Silva đã tái khẳng định ASEAN là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Timor-Leste và nhấn mạnh cam kết sẵn sàng trở thành một thành viên của ASEAN trong cuộc găp với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh ngày 17/4.

Tháng 3/2011, Đông Timor đã đệ đơn xin gia nhập ASEAN. Hiện nay, nước này đang được xem xét bởi một nhóm công tác đặc biệt nhằm tìm kiếm những thành tựu và nỗ lực trong tiến trình tham gia ASEAN.


Thủ tướng Timor-Leste Kay Rala Xanana Gusmão và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm đến Việt Nam tháng 9/2013, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước

Những nỗ lực của Đông Timor

Cho đến nay, Đông Timor vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới khi phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm tiếp tục giữ vững nền an ninh, phát triển kinh tế, nỗ lực chống nạn tham nhũng trong ngân sách quốc gia, có đến 90% phụ thuộc vào nguồn xuất khẩu dầu lửa cũng như cải thiện hệ thống y tế và giáo dục. Cơ sở hạ tầng của nước này còn khá nghèo nàn trong khi tỉ lệ biết chữ chỉ chiếm 60%.

Tuy nhiên, nước này đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường năng lực thể chế và nguồn nhân lực để tham gia vào các hoạt động của ASEAN, bao gồm việc thành lập Tổng cục ASEAN và bổ nhiệm một Tổng thư ký của Nhà nước về các vấn đề ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao và Hợp tác.

Theo Đại sứ Đông Timor tại Malaysia Jose Antonio Amorim Dias, nước này đã hoàn thành một số yêu cầu cơ bản để trở thành thành viên ASEAN như thành lập 22 đại sứ quán tại các nước thành viên ASEAN cũng như ở Châu Âu, Châu Phi, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh.

Bộ trưởng Hernani Coelho da Silva cho biết nước này đã bắt tay vào cải cách hành chính để đảm bảo phân phối hiệu quả hơn các dịch vụ cho người dân. Đông Timor cũng đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và tiếp cận cộng đồng trong khu vực và xa hơn nữa, dựa trên các nguyên tắc nhân quyền, dân chủ, quản trị tốt, công lý và uy quyền của luật pháp quốc tế.

Đông Timor có tiềm năng lớn về năng lượng, du lịch, gạo, cà phê, đặc biệt năng lượng là tiềm năng quan trọng nhất của Đông Timor, theo nhận định của Giáo sư Damien Kingsbury tại Đại học Deakin (Australia). Phát triển nông nghiệp, trong đó có xuất khẩu cà phê cũng là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Du lịch đang dần được thúc đẩy với việc sử dụng đồng đô la Mỹ giúp du khách tiện lợi hơn khi trao đổi tại đây. Và việc gia nhập ASEAN sẽ mang lại cho Đông Timor rất nhiều lợi ích, trong đó có các lĩnh vực thương mại, an ninh, ổn định đất nước và giao lưu văn hóa với cộng đồng ASEAN.

Trong cuộc gặp vừa qua, Tổng Thư ký Lê Lương Minh cũng đã chúc mừng những nỗ lực có hiệu quả trong xây dựng đất nước của Đông Timor, đặc biệt là việc đảm bảo sự ổn định chính trị, phát triển một nền kinh tế sôi động và thiết lập các mối quan hệ đối ngoại năng động. Tổng Thư ký đánh giá cao quyết định chiến lược của nước này để trở thành thành viên của ASEAN và những nỗ lực tích cực trong củng cố mối quan hệ hợp tác với các thành viên ASEAN.

Còn trở ngại

Để trở thành thành viên của ASEAN, Đông Timor cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và nghĩa vụ của tổ chức, đó là khả năng đáp ứng các điều kiện tham gia ba trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.

Trước đó, Jim DellaGiacoma, Giám đốc Dự án Đông Nam Á của Tổ chức Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết xây dựng, biên chế và hoạt động của các đại sứ quán sẽ đòi hỏi “chi phí đáng kể” đối với Đông Timor, có nền kinh tế đang dần hồi phục. Trong đó việc tham gia hơn 1000 sự kiện mỗi năm của ASEAN có thể là một gánh nặng tài chính. Đồng thời, việc cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, bao gồm cả mạng lưới đường bộ và đường hàng không, nghĩa là nước này sẽ gặp khó khăn khi tổ chức nhiều cuộc họp lớn của ASEAN.

Trong cộng đồng các quốc gia ASEAN, Đông Timor cũng vấp phải sự phản đối của một số thành viên, trong đó có Singapore. Singapore cho rằng Đông Timor mang lại rất ít lợi ích cho ASEAN trong khi gia tăng gánh nặng kinh tế đáng kể khi ASEAN đang ở giai đoạn cuối cùng của việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, năm 2012, Đông Timor có dân số 1,2 triệu người và GDP 1,29 tỉ USD, chỉ bằng 15% so với nền kinh tế nhỏ nhất của ASEAN là Lào với GDP 9,2 tỉ USD. Đông Timor có trữ lượng dầu khí lớn, và có thể trở thành nhà cung cấp dầu khí cho ASEAN một khi gia nhập Hiệp hội, điều này cũng có nguy cơ đe dọa vị trí quan trọng của Singapore trong khu vực về vấn đề năng lượng.

Triển vọng

Đại sứ Amorim Dias cho biết Đông Timor chưa đặt mục tiêu thời gian cụ thể gia nhập ASEAN vì biết rằng đây không phải là một quá trình dễ dàng. Tuy nhiên, ông cho biết người dân Đông Timor mong muốn các nước thành viên ASEAN chấp nhận đề nghị gia nhập của nước này càng sớm càng tốt.

Ông Dias nhấn mạnh Đông Timor sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ và trách nhiệm của một thành viên ASEAN và hy vọng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 ở Malaysia vào cuối tháng Tư, các nước thành viên sẽ có biện pháp tích cực thể hiện cam kết trong việc đưa Đông Timor trở thành thành viên của ASEAN.

Là quốc gia thứ 11 tại Đông Nam Á, Đông Timor được coi là có một vị trí chiến lược và được sự coi trọng của cả Mỹ và Trung Quốc trong việc gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Đông Timor tiếp cận các con đường huyết mạch tới Singapore, nhiều mỏ dầu ở Trung Đông và các trung tâm thương mại toàn cầu khác như Đông Á và Bờ Tây của Bắc Mỹ thông qua các eobiển như Malacca, Lombok và Sunda.

Những nỗ lực của Đông Timor trong gia nhập ASEAN thể hiện nguyện vọng gắn kết và mong muốn đóng góp và hòa nhập với cộng đồng khu vực. Chấp thuận Đông Timor, ASEAN sẽ thúc đẩy vai trò của mình như một cơ chế hợp tác, cũng như giúp tiến trình hội nhập và phát triển của Đông Timor diễn ra tích cực hơn.

Nguồn Tổ quốc