Tôn vinh ý chí, nghị lực và khát vọng vươn lên

        Ngọn lửa thiêng Pa-ra-lim-pích 2012 đã không còn rực cháy trên đài lửa sân vận động Ô-lim-pích của Thủ đô Luân Ðôn (Vương quốc Anh), khép lại 11 ngày đua tranh sôi động và nhiều kịch tính của các VÐV khuyết tật tiêu biểu trên toàn thế giới.

         
       “Chúng ta đều là người chiến thắng” - thông điệp của các VÐV tại lễ bế mạc Pa-ra-lim-pích Luân Ðôn 2012.  

Những tấm HCV, các kỷ lục Pa-ra-lim-pích và thế giới được tạo lập ở kỳ đại hội lần này đã thể hiện một cách chân thực, tràn đầy cảm xúc, khơi dậy niềm cảm hứng bất tận về ý chí, nghị lực sống và khát vọng vươn lên chinh phục những đỉnh cao thể thao mới.

Ðại hội lần này có gần 4.300 vận động viên khuyết tật đại diện cho 166 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tham gia thi đấu ở hơn 500 nội dung dành cho các hạng thương tật khác nhau của 20 môn thể thao. Có thể nói đây là kỳ đại hội đi vào lịch sử thể thao của người khuyết tật với quy mô tổ chức và số lượng vận động viên đông nhất. Ðã có 503 bộ huy chương đã được trao. 75/166 đoàn đã có huy chương với nhiều kỷ lục thế giới và kỷ lục Pa-ra-lim-pích, vượt hơn hẳn so với kỳ đại hội năm 2008 tại Bắc Kinh. Theo số liệu của ban tổ chức Pa-ra-lim-pích Luân Ðôn 2012, chỉ riêng trong tuần đầu tranh tài, các VÐV đã lập 137 kỷ lục thế giới mới, cao nhất là vào ngày thi đấu thứ hai với 28 kỷ lục thế giới được thiết lập ở các nội dung thi đấu, trong đó phần lớn các kỷ lục đều phá vỡ kỷ lục cũ với cách biệt khá lớn. Tiêu biểu nhất là kỷ lục của VÐV En A-min Chen-túp của đoàn Ma-rốc cán đích trên đường chạy 5.000 m với thời gian 13 phút 55 giây 77, nhanh hơn kỷ lục cũ 30 giây. Ở nội dung 1.500 m nam, VÐV Ki-ma-ni của Kê-ni-a đã lập kỷ lục Pa-ra-lim-pích khi trở thành người đầu tiên trong các kỳ đại hội về nhất với thời gian chưa đến 4 phút. Ðại hội năm nay cũng ghi nhận nhiều VÐV các đoàn đã giành được từ hai HCV trở lên, tiêu biểu là hai VÐV Ða-vít Uê và Xa-ra Xtô-ri của nước chủ nhà Anh xuất sắc giành được bốn HCV mỗi người ở các nội dung dự thi đấu.

Theo Ban tổ chức và các nhà chuyên môn đánh giá, đã có sự chuyển biến rõ về chất lượng thi đấu của các vận động viên ở Pa-ra-lim-pích Luân Ðôn 2012 so với những kỳ đại hội trước đó cho thấy các vận động viên đã được ngành thể thao các nước quan tâm đầu tư và chuyên tâm hơn về thời gian tập luyện, đồng thời cũng mang tính chuyên nghiệp hơn. Nhóm các đoàn dẫn đầu trên bảng xếp hạng thành tích toàn đoàn vẫn là những “gương mặt” quen thuộc. Tuy nhiên trái với dự đoán trước đó khi nhiều người cho rằng đoàn Mỹ với số lượng VÐV đông đảo sẽ giành ngôi nhất toàn đoàn thì lại chỉ xếp vị trí thứ sáu trên bảng xếp hạng với 31 HCV. Ðoàn thể thao người khuyết tật nước chủ nhà Anh quốc đã liên tục đứng thứ hai toàn đoàn trong suốt chín ngày thi đấu, nhưng lại để mất vị trí này vào tay đoàn thể thao người khuyết tật Nga khi để họ bứt phá mạnh mẽ vào ngày thi đấu cuối cùng của đại hội và vượt lên với 36 HCV, hơn đoàn Anh đúng một HCV trên bảng thành tích. Nổi bật nhất tại Pa-ra-lim-pích vẫn là đoàn thể thao người khuyết tật Trung Quốc, không những bảo vệ được ngôi vô địch toàn đoàn mà còn cho thấy sự vượt trội của mình khi vượt xa các đoàn khác với 95 HCV, hơn hẳn 56 HCV so với đoàn Nga xếp thứ hai. 

Tại Pa-ra-lim-pích Luân Ðôn, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự với 11 VÐV thi đấu ở ba môn thể thao là: điền kinh, cử tạ và bơi, dù không thể giành được huy chương, nhưng nỗ lực của tuyển thủ nước ta rất đáng khen ngợi khi mặc dù chưa đủ lực để có được huy chương ở một đấu trường lớn như Pa-ra-lim-pích. Môn cử tạ có bốn vận động viên tham dự thì có hai người về thứ tư, trong đó đáng tiếc lực sĩ Nguyễn Thị Hồng bị trượt HCÐ chỉ vì nặng hơn vận động viên nước chủ nhà 300 g, mặc dù cùng nâng được 88 kg. Trong số bốn vận động viên thi đấu môn bơi lội, Võ Thanh Tùng tuy chưa giành được huy chương, ngay cả ở nội dung thi đấu sở trường của anh là 50 m bơi bướm, nhưng đã được công nhận lập kỷ lục châu Á mới ở nội dung 100 m bơi tự do nam. Hai trong ba vận động viên tham dự thi đấu ở môn điền kinh cũng thi đấu tốt so với thành tích cá nhân của mình khi Cao Ngọc Hùng về thứ tư ở nội dung ném lao nam và Nguyễn Thị Hải đứng thứ tư ở nội dung ném lao nữ. Qua sự cọ xát ở kỳ đại hội này, thể thao Việt Nam cần đổi mới hơn trong phát triển phong trào thể thao người khuyết tật và đầu tư nhiều hơn trong công tác đào tạo, tập luyện.

Những thành tích nêu trên từ cuộc đua tài mang lại sự ngưỡng mộ nhưng có thể nói thành tích không hẳn là yếu tố được quan tâm hàng đầu ở kỳ đại hội Pa-ra-lim-pích. Như nhiều VÐV tham gia đại hội đã khẳng định, tất cả họ đều là những người chiến thắng. Ðó cũng là ý nghĩa nhân văn sâu xa mang lại từ đại hội bởi tại đây những người khuyết tật đến từ các châu lục đã có dịp giao lưu, gặp gỡ và chia sẻ những mất mát trong cuộc sống và cùng chứng tỏ nỗ lực vươn lên, vượt lên chính mình để mang lại niềm tự hào cho Tổ quốc, thể hiện sự bình đẳng và hội nhập trong xã hội. Pa-ra-lim-pích Luân Ðôn 2012 còn là dịp để tôn vinh ý chí, nghị lực sống và bản lĩnh của những con người không cam chịu và biết vượt lên số phận.    

PA-RA-LIM-PÍCH Luân Ðôn 2012 đã diễn ra thành công tốt đẹp, đây thật sự là cuộc đua của tinh thần thể thao trong sáng và thượng võ khi không hề thấy những ì xèo “xì-căng-đan” về đô-pinh như ở giải Ô-lim-pích trước đó và thể hiện một cách rõ rệt nhất những nỗ lực của bản thân mỗi người vì một niềm tin phía trước. Ngoài công tác an ninh, phục vụ thi đấu, đại hội còn thật sự thành công vượt xa sự mong đợi khi trở thành kỳ đại hội đầu tiên bán được vé do thu hút được sự chú ý đặc biệt của người hâm mộ với số lượng vé bán ra đạt 2,7 triệu vé.