Tiền Giang: Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng

Ngày 12/2, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh cho biết, mấy ngày qua, độ mặn 0,7g/l đã xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 50km và đến cầu Trường Chính trị thuộc thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Đo độ mặn trên sông Tiền thuộc huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Đo độ mặn trên sông Tiền thuộc huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Theo đó, đến ngày 12/2, độ mặn đo được tại Vườn hoa Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) đã gần 2g/l. Mặn xâm nhập đến khu vực cống Xoài Hột là 0,1g/l.

Mặn xâm nhập sâu là do ảnh hưởng của triều cường và quy luật mặn. Sau đợt triều cường này, mặn sẽ giảm nhẹ nhưng cũng ghi nhận khoảng 1g/l tại cống Xuân Hòa thuộc huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Từ đầu tháng 1/2024, cống Xuân Hòa đã lấy gạn chính thức để bổ cấp nước ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công.

Tiền Giang: Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh 1

Độ mặn đo được tại một số vị trí trên sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang.

Dự kiến cuối tháng 2 đến đầu tháng 3, cống Xuân Hòa sẽ chính thức đóng ngăn mặn. Đến thời điểm này, nguồn nước khu vực Ngọt hóa Gò Công rất dồi dào, bảo đảm phục vụ sản xuất.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang cho biết, trên sông Tiền và sông Hàm Luông, độ mặn tại hầu hết các trạm có xu thế tiếp tục tăng vào những ngày đầu tuần theo chu kỳ triều đầu tháng Giêng.

Tiền Giang: Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng ảnh 2

Kiểm tra độ mặn tại cống Xuân Hòa, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang).

Độ mặn cao nhất xuất hiện vào ngày 11, 12/2 (tức mùng 2, 3 Tết Nguyên đán) và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn trung bình nhiều năm, sau đó độ mặn giảm dần theo triều.

Chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 50-55km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 60-65km.

Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Tiền phạm vi xâm nhập mặn 40-45 km, sông Hàm Luông phạm vi xâm nhập mặn 45-55 km.

Nguồn nhandan.vn