Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng chống thiên tai

(THTG) Ngày 10-5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.  Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng ban Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Tiền Giang có ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Hội nghị đã đánh giá toàn diện công tác phòng, chống thiên tai năm 2023, dự báo tình hình thiên tai năm 2024, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống thiên tai trong năm.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến phòng chống thiên tai tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo nhận định năm 2024, tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2024, hiện tượng Enino có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung nhiều vào cuối mùa mưa bão. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất, nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi. Đề phòng, chống ứng phó giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố cần thực hiện 9 nhiệm vụ trong thời gian tới. Trong đó sẽ nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành và triển khai hiệu quả công tác ứng phó với các trận thiên tai, sự cố lớn; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế…

Tại tỉnh Tiền Giang, ngày 08/3/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Phương án số 06/PA-PCTT về ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tại Công văn số 1243/UBND-KT với mục tiêu tổng thể “Phòng là chính”, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh như: bão, áp thấp nhiệt đới; lũ, triều cường; hạn, xâm nhập mặn, dông, lốc, sét; sụt lún, sạt lở đất do mưa, lũ hoặc dòng chảy, gió mạnh trên biển, nước dâng (do triều cường), đặc biệt đối với người, tài sản và các công trình trọng yếu; kịp thời sơ tán, di dời dân ở khu vực xung yếu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Tình hình hạn và xâm nhập mặn được hoàn toàn kiểm soát do hệ thống cống ngăn mặn đã tương đối hoàn chỉnh. Về nước sinh hoạt, Tiền Giang đã tăng cường công suất tối đa của 2 nhà máy cấp nước; mở các vồi mước công cộng, vận chuyển nước thô để bổ sung các trạm xử lý để phục vụ người dân.

                                                                                        Tin và ảnh: Nguyễn Phong