Tiền Giang có hơn 200 hecta lúa xuân hè nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

(THTG) Trong khi các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang đang chuẩn bị xuống giống vụ lúa hè thu 2018, thì lúa xuân hè ở các huyện phía Tây đã được từ 40 đến 45 ngày tuổi, nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, đã bùng phát nhiều loại dịch hại tấn công cây lúa, trong đó đáng chú ý là có hơn 200 hecta lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá.

vlcsnap-2018-05-09-09h50m08s898

Lúa xuân hè ở các huyện phía Tây đang bị nhiều loại dịch bệnh tấn công. Ảnh: Minh Trí

Diện tích lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá tập trung nhiều nhất ở huyện Tân Phước, với tỷ lệ nhiễm bệnh gần 10%; các địa phương khác như: Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy có tỷ lệ nhiễm bệnh dưới 5%. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn có xu hướng tăng, với tổng diện tích lúa nhiễm bệnh đến thời điểm này trên 690 hecta, tỷ lệ bệnh từ 3 đến 5%, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện: Cái Bè và Cai Lậy. Tuy nhiên, một số đối tượng dịch hại khác lại giảm so với tuần trước như: diện tích lúa nhiễm rầy nâu giảm 100 hecta, sâu cuốn lá nhỏ giảm hơn 230 hecta, ngộ độc phèn giảm 15 hecta…

vlcsnap-2018-05-09-09h51m11s511

vlcsnap-2018-05-09-09h51m19s064

Lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Ảnh: Minh Trí

Trong tuần tới, lúa xuân hè bước vào giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng rất mẫn cảm với sâu bệnh và các đối tượng dịch hại, nên các nhà khoa học khuyến cáo nông dân cần thăm đồng thường xuyên, bón phân đón đòng theo nguyên tắc so màu lá lúa, nhất là điều chỉnh mực nước trên ruộng hợp lí để cây lúa hấp thu dinh dưỡng tốt, đạt năng suất cao.

Riêng các huyện phía Đông sẽ xuống giống vụ lúa hè thu 2018 từ giữa cuối tháng 5/2018, nông dân cần lưu ý tuân thủ nghiêm lịch gieo sạ né rầy, vì rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá ở các huyện phía Tây có thể di trú, truyền bệnh cho lúa hè thu ở giai đoạn mạ non.

Kim Nữ