Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2015 – Giải quyết những thách thức xã hội

Nhiều vấn đề được quan tâm

Diễn đàn thu hút 700 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó có 180 Giám đốc điều hành (CEO) và Chủ tịch các tập đoàn kinh tế lớn, cùng 40 bộ trưởng và đại diện tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam tham dự do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

Indonesia thắt chặt an ninh trong ngày đầu diễn ra WEF Đông Á 2015.

Theo Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Sofyan Djalil, với chủ đề “Đặt niềm tin vào chủ nghĩa khu vực mới của Đông Á”, diễn đàn tập trung thảo luận các giải pháp tiềm năng để giải quyết những thách thức xã hội; tìm hiểu cơ hội và nguyên nhân tác động đến tăng trưởng kinh tế khu vực; rà soát sự tiến bộ trong hợp tác khu vực; thảo luận và đề ra phương hướng giải quyết 10 thách thức toàn cầu thông qua hợp tác nhiều bên và quan hệ đối tác công – tư; tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm tạo điều kiện cho đối thoại và hợp tác khu vực.

WEF Đông Á được tổ chức thường niên với mục tiêu tăng cường và mở rộng quan hệ, hợp tác kinh tế – thương mại giữa các nước trong khu vực và giữa Đông Á với các khu vực khác trên thế giới.

Đối mặt với tăng trưởng chậm

Diễn đàn lần này được đặt trong bối cảnh Đông Á, khu vực đông dân nhất thế giới, vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của kinh tế toàn cầu. Việc các nước chuẩn bị cho sự ra mắt của Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm nay, báo trước một kỷ nguyên mới về thị trường hàng hóa và dịch vụ tự do của 10 quốc gia với hơn 600 triệu người.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), các nền kinh tế đang phát triển khu vực Đông Á được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 và 2016, giảm nhẹ so với tốc độ 6,9% trong năm 2014. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến chậm lại ở mức khoảng 7% trong hai năm tới so với tốc độ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014. Dự kiến tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển còn lại của khu vực Đông Á đạt 5,1% trong năm 2015.

Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của WB, Axel van Trotsenburg, nhận định, mặc dù tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, nhưng Đông Á vẫn đóng góp 1/3 tăng trưởng toàn cầu, gấp hai lần so với tổng mức đóng góp của tất cả các khu vực đang phát triển khác cộng lại. Giá dầu giảm sẽ kích thích cầu nội địa ở phần lớn các quốc gia trong khu vực, đem lại cho những nhà hoạch định chính sách cơ hội thúc đẩy các cải cách tài khóa, giúp tăng thu ngân sách và tái định hướng chi tiêu công theo hướng tập trung vào kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực sản xuất.

Nguồn SGGP