Sức sống Nhật Bản – 4 năm sau thảm họa động đất và sóng thần

Vẫn còn nhiều người phải sống trong những khu nhà tạm và công cuộc tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 sẽ còn gặp không ít khó khăn. Nhưng rõ ràng, những gì mà Nhật Bản làm được trong 4 năm qua đã cho thấy sự kiên cường và sức sống vươn lên mạnh mẽ trong khó khăn, hoạn nạn.

Những vùng đất hồi sinh

Sau ngày 11/3/2011, các tỉnh Iwata, Miyagi, Fukushima giống như một bãi rác khổng lồ. Người ta đã gọi những địa phương này là “những vùng đất chết” bởi sức tàn phá khủng khiếp của động đất và sóng thần. Thảm họa kép này đã đi vào ký ức người Nhật như một trong những thiên tai ám ảnh nhất trong vòng hơn 140 năm qua, đẩy đất nước Mặt trời mọc vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

 

 Những “vùng đất chết” sau thảm họa nay đang được hồi sinh (Ảnh: NHK)


Nhưng những gì mà người ta thấy hôm nay tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thảm họa là một sự hồi sinh. Hàng nghìn tấn rác thải ngổn ngang được thay thế bằng những nhà máy, nhà hàng, cửa hiệu… Một thống kê được hãng NHK đưa ra trong một bản tin mới đây cho thấy, hơn 50% trong tổng số khoảng 3.500 doanh nghiệp ở các vùng đông bắc Nhật Bản đã đạt mốc doanh số tương đương với giai đoạn trước thiên tai.

Chính phủ Nhật Bản vừa qua cũng đã thông qua gói tài chính 26.300 tỷ Yen (tương đương 217 tỷ USD) để thực hiện các công tác tái thiết ở các vùng chịu ảnh hưởng của thảm hoạ kép này. Trong bài phát biểu tại lễ tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra thảm họa diễn ra tại Tokyo vào hôm nay, Thủ tướng Nhật Bản cam kết tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực tái thiết và hướng về phía trước như các thế hệ cha anh từng vượt qua nhiều khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là không bao giờ được quên bài học từ thảm họa và điều này cần được truyền cho các thế hệ tương lai để luôn có ý thức làm cho đất nước trở nên an toàn hơn.

Trận động đất cường độ mạnh tới 9 độ richter cách đây 4 năm cũng đã gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Hiện 90% nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Nhật Bản phụ thuộc vào nhập khẩu do mất nguồn cung từ điện hạt nhân, do đó thời gian qua, Chính phủ của Thủ tướng Abe đã nỗ lực tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, trong đó 4 lò phản ứng đáp ứng đủ các điều kiện khắt khe đã được Chính quyền cấp phép hoạt động trở lại.

Trong một nỗ lực đối phó với thảm họa, Nhật Bản có kế hoạch xây 70 bức tường bê tông chắn lũ tại thành phố Kesennuma (tỉnh Miyagi). Những bức tường rộng 90m và cao đến 15m là một phần trong kế hoạch do Chính phủ ban hành sau thảm họa sóng thần 2011 để bảo vệ người dân ở các vùng ven biển. Kinh phí để xây các bức tường này đến 1.000 tỷ yen.

Kế hoạch xây dựng khoảng 30.000 ngôi nhà công cộng dành cho nạn nhân sau thảm họa, cho đến nay mới thực hiện được gần 20%, do nhiều nguyên nhân liên quan đến nguồn kinh phí, địa điểm xây dựng,… Nhưng Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để ổn định cuộc sống người dân.

Tinh thần vượt khó vươn lên của người dân

Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, có hơn 18.500 người đã chết và mất tích trong thảm họa năm 2011. Sự mất mát to lớn đó thật khó có thể diễn đạt hết bằng lời. Tuy nhiên, với những người còn may mắn sống sót, thì không có cách nào khác là họ phải đi lên từ chính những đau thương, mất mát để tiếp tục cuộc sống. Chính tinh thần vượt khó vươn lên và sự sẻ chia đã giúp họ vượt qua khổ đau để bắt đầu lại cuộc sống.

 

 Một đôi vợ chồng sống tại một khu nhà tạm sau thảm họa (Ảnh: NHK)


Tờ Japan Times viết, vào mỗi buổi chiều, những người già sống tại khu chung cư tạm ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi thường ngồi quanh chiếc bàn hàng giờ để thảnh thơi nói chuyện. Họ chia sẻ với nhau về những điều họ cảm thấy mỗi ngày, về những chương trình truyền hình mà họ xem và cùng nhau cười đùa.

“Những giờ ngắn ngủi chúng tôi gặp và nói chuyện cùng nhau, giúp chúng tôi có thể quên đi những gì ở trong tâm trí” – một cụ ông khoảng 70 tuổi đang sống tại khu chung cư nói trên, người may mắn sóng sót sau thảm họa động đất, sóng thần cách đây 4 năm cho biết. Ông cũng nói rằng: “Thảm họa đã thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi sẽ ngạc nhiên nếu có bất kỳ người sống sót nào mà cuộc sống của họ không thay đổi”.

Bà Michiyo Oshima (74 tuổi), cho biết, tất cả những gì bà có thể làm bây giờ là bước về phía trước và tận hưởng phần đời còn lại của mình. Bà Oshima đã mất chồng trong thảm họa sóng thần. Trong năm đầu tiên khi trở thành góa bụa, bà đã đau khổ rất nhiều và luôn nghĩ về người chồng đã mất của mình. Tuy nhiên, công việc quản lý khu nhà chung cư tạm tại quận Minamizakai đã đem lại niềm vui cho bà. Bà xử lý mọi việc từ đón tiếp tình nguyện viên tới kiểm tra đời sống tinh thần của những người cùng cảnh ngộ. “Sẽ là nói dối nếu tôi nói rằng không nghĩ về chồng của mình. Nhưng tôi thấy vui vì hiện giờ tôi có nhiều người bạn mới. Là người sống sót sau thảm họa, chúng tôi cần tận hưởng những gì còn lại trong cuộc sống của chúng tôi” – bà Oshima đã cho biết như vậy.

Cũng theo bà Oshima, nhiều người đã không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi và buồn chán. Nhưng bà cho rằng, những người sống sót cần phải bước về phía trước. Bà Oshima khẳng định: “Người ta nói rằng, ký ức về thảm họa nên được giữ lại. Nhưng với cá nhân tôi, tôi không muốn nhắc tới bất kỳ điều gì đau buồn của ngày hôm đó. Tôi muốn quên đi và bước về phía trước”.

Khi trận động đất, sóng thần lịch sử tấn công khu vực rộng lớn vào ngày 11/3/2011, ông Kei Masuda (63 tuổi) – một người dân Ishinomaki khi đó đang đóng gói lô hàng hải sản tại nơi làm việc. Ông đã chết lặng người khi nhìn thấy những cột nước đen nhấn chìm một ngôi nhà 3 tầng và tiến về phía mình. Quá hoảng sợ, ông đã nhảy vào trong xe ô tô và di chuyển tới một nhà kho gần đó để ẩn náu. Nhưng cột nước đã đuổi kịp ông và ông đã phải dùng búa phá cửa xe để thoát ra ngoài. Sau đó ông đã ngất lịm đi trong dòng nước nhưng thật kỳ diệu là ông vẫn còn sống. Sự hồi sinh may mắn đã giúp ông có được cuộc sống như ngày hôm nay, sau 4 năm tai họa ập đến.

Hiện giờ ông là người đứng đầu khu chung cư tạm ở quận Mangokuura, thành phố Ishinomaki. Đây là khu vực tập trung 78 hộ gia đình. Họ đều là nạn nhân của trận động đất và sóng thần 4 năm trước. “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nhà quản lý. Nhưng khi sống sót sau thảm họa kép, tôi cảm thấy cần hành động vì lợi ích của xã hội”, ông Masuda nói.

Vài câu chuyện nhỏ của những người sống sót có thể là chưa đủ để phản ánh bức tranh về cuộc sống của người dân sau thảm họa. Nhưng rõ ràng, nó cũng nói được phần nào về đời sống tinh thần, về những mất mát mà họ phải trải qua và sự nỗ lực vươn lên để thích nghi với cuộc sống mới của họ./.

Nguồn ĐCSVN