Rạp hát Thầy Năm Tú đón nhận danh hiệu di tích văn hóa cấp tỉnh

 

(THTG) Đêm 23/ 12 tại  rạp hát Thầy  Năm Tú,  Sở Văn hóa Thể thao  và Du lịch tỉnh  Tiền Giang làm lễ đón nhận danh hiệu di tích văn hóa cấp tỉnh và diễn  báo  cáo  trích  đoạn cải  lương “ Huyền sử Rạch  Gầm”. Đây là vở cải  lương của đoàn nghệ thuật tổng  hợp  Tiền Giang  tham dự cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015 và đã đạt  được 2 Huy chương  vàng, 2 Huy chương  bạc.

Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Tiền Giang tham dự buổi lễ này .

Rạp hát Thầy Năm Tú được xây dựng khoảng năm 1905, do ông Châu Văn Tú – thường gọi thầy Năm Tú, quê quán Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, ban đầu là để chiếu bóng. Năm 1918, ông Tú mua lại gánh xiếc và ca ra bộ của André Thận rồi bỏ tiền mời thêm đào kép, thầy tuồng, lập nên “gánh hát Thầy Năm Tú”.

Rạp hát Thầy Năm Tú là nơi trình diễn vở cải lương đầu tiên của Việt Nam năm 1918. Vào thời hoàng kim, rạp được coi là “kinh đô” sân khấu cải lương lục tỉnh Nam Kỳ, là nơi lui tới thường xuyên của giới thời thượng, tài tử giai nhân. Rạp nhiều lần thay tên như: Hí viện Vĩnh Lợi, Rạp Tiền Giang…

Để giữ gìn, tôn tạo nơi được mệnh danh là “cái nôi cải lương”. Rạp được tỉnh Tiền Giang khởi công xây dựng, tu bổ lại vào tháng 3/2014 và hoàn thành vào 12/2014, với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Rạp  được chính thức đổi tên lại là Rạp Thầy Năm Tú.

Thay  mặt  Ủy ban  nhân dân tỉnh, ông Trần Thanh  Đức, Phó Chủ tịch  Ủy ban nhân dân tỉnh  Tiền Giang trao  danh hiệu  di  tích văn hóa cấp tỉnh cho  rạp hát  Thầy Năm Tú và bằng  khen của Ủy  ban nhân dân tỉnh  cho các diễn viên đoạt huy chương tại cuôc thi  sân khấu  cải  lương  chuyên nghiệp toàn quốc. Sở Văn hóa Thể thao  và Du  lịch  Tiền  Giang trao  tặng  giấy khen cho  các cá nhân có nhiều thành  tích trong  quá  trình dàn dựng, biểu biễn vở  cải lương “Huyền sử Rạch   Gầm”  tại cuộc thi  sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2015./.

Công Luận