Phản ứng của thế giới về thỏa thuận hạt nhân Iran

       Ngay sau khi Iran và nhóm các cường quốc P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân của Iran, Tổng Thư ký LHQ, Tổng thống Mỹ, Iran và lãnh đạo các nước đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel gọi thỏa thuận này là một “sai lầm lịch sử”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon đã nồng nhiệt hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và thúc giục các nước liên quan “làm mọi việc có thể để phát triển từ sự khởi đầu đáng khích lệ này”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại Nhà Trắng đánh giá đây là “một bước đi quan trọng”. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama đã gọi thành công của vòng đàm phán Geneva lần này “bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới một giải pháp toàn diện để giải quyết những lo ngại của chúng ta về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Mặc dù ông Obama nói rằng bản thỏa thuận không “thừa nhận” quyền làm giàu uranium của Iran, nhưng ông khẳng định “Iran, cũng như bất kỳ quốc gia nào, nên được quyền tiếp cận nguồn năng lượng hạt nhân hòa bình”.

Ông Obama cũng cảnh báo rằng nếu Iran không tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, nước này không những sẽ bị mất đi 7 tỷ USD mà họ có được nhờ nới lỏng các biện pháp cấm vận mà còn phải đối mặt với những lệnh cấm vận bổ sung.

Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định rằng bản thỏa thuận mà Iran và đạt được với sáu cường quốc tại Geneva “đã thừa nhận quyền hạt nhân của Iran”. Theo đó, Iran được phép tiếp tục làm giàu uranium cũng như vẫn được tiến hành các hoạt động làm giàu nhiên liệu hạt nhân bình thường như trước.

Trong một tuyên bố được phát trực tiếp trên kênh truyền hình PressTV, ông nói rằng việc đàm phán về một “thỏa thuận toàn diện sẽ được bắt đầu ngay lập tức”. Ông cũng nói rằng sự thành công của các vòng đàm phán cho tới nay là nhờ vào “những chỉ dẫn” của Đại giáo chủ Ali Khamenei.

Cũng có cùng quan điểm với ông Rouhani, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định bản thỏa thuận đã công nhận về nguyên tắc quyền của chính quyền Iran trong việc khai thác công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình dưới sự bảo trợ của IAEA. Ông Lavrov cũng nói rằng Nga chưa bao giờ công nhận các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU đơn phương áp đặt lên Iran.

Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1. Israel cũng gọi đây là một “thỏa thuận xấu” và nói rằng họ không có nghĩa vụ phải tuân thủ. Ông Netanyahu còn gọi đó là một “sai lầm lịch sử”.

Một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Israel nói: “Đây là một thỏa thuận xấu. Nó mang lại cho Iran đúng điều mà họ cần: họ vừa nhận được sự nới lỏng cấm vận quan trọng lại duy trì được hầu hết những phần quan trọng trong chương trình hạt nhân của họ”.

Tuy nhiên, theo khẳng định của ngoại trưởng Mỹ John Kerry, bản thỏa thuận vừa đạt được ngày 24-11 sẽ khiến Iran không thể nhanh chóng chế tạo được vũ khí hạt nhân và nó sẽ giúp Israel cũng như các đồng minh khác của Mỹ an toàn hơn. Ông cũng nói rằng mặc dù ông Obama không loài trừ khả năng sử dụng vũ lực chống lại Iran, nhưng ông tin rằng việc tận dụng các biện pháp ngoại giao là điều cần thiết.

Trên trang mạng Twitter, Ngoại trưởng Anh William Hague đánh giá rằng thỏa thuận hạt nhân giai đoạn một với Iran là “rất quan trọng và thuyết phục”. Còn Ngoại trưởng Pháp Fabius nói: “Sau nhiều năm bế tắc, thỏa thuận ở Geneva về chương trình hạt nhân của Iran là một bước đi quan trọng trong việc duy trì hòa bình và an ninh”.

Hiện các chi tiết của bản thỏa thuận vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng hãng tin BBC dẫn nguồn tin từ các nhà thương thuyết cho biết Iran đã chấp nhận sẽ ngừng làm giàu uranium ở mức trên 5%, và cắt giảm kho nhiên liệu hạt nhân đã làm giàu vượt quá mức này. Ngoài ra, Iran sẽ không lắp đặt thêm các máy ly tâm mới ở các cơ sở hạt nhân, không vận hành lò phản ứng hạt nhân ở Arak và cho phép các thanh sát viên được quyền tiếp cận hằng ngày đối với các cơ sở hạt nhân ở Natanz và Fordo.

Để đổi lại, các cường quốc sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới có liên quan tới vấn đề hạt nhân trong vòng sáu tháng. Các cường quốc sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt và từ đó sẽ mang lại cho Iran một nguồn thu trị giá khoảng 7 tỷ USD từ nhiều lĩnh vực như buôn bán kim loại quý, hóa dầu và nguồn tài chính của Iran đang bị đóng băng ở nước ngoài.

Nguồn Nhân dân