Nước Mỹ và nỗi ám ảnh mang tên 11/9

       Việc Tòa tháp đôi và Lầu Năm góc bị tấn công đã làm sụp đổ hình ảnh về đất nước vốn được coi là pháo đài bất khả xâm phạm.

11 năm trước, sự kiện 11/9 đã làm kinh hoàng nước Mỹ, cướp đi hơn 3.000 sinh mạng. Việc Tòa tháp đôi bị biến thành đống gạch vụn và Lầu Năm góc bị tấn công đã làm sụp đổ hình ảnh về một đất nước vốn được coi là pháo đài bất khả xâm phạm trên thế giới. Giờ đây, sau 11 năm, sự kiện đó vẫn còn là nỗi ám ảnh hằn sâu trong lòng nước Mỹ.

Trong buổi phát thanh cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi người dân nước này tưởng nhớ đến những người đã phục vụ và hy sinh thân mình để giữ cho nước Mỹ an toàn sau vụ khủng bố 11/9. 

 

Khói bốc lên từ hai tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới sau khi bị tấn công khủng bố vào ngày 11/9/2001 (Ảnh: Internet)


Theo Tổng thống Mỹ, nước Mỹ càng ngày càng mạnh mẽ hơn sau vụ khủng bố: “Thập kỷ qua là một thập kỷ khó khăn với chúng ta, nhưng chúng ta đang ngày càng mạnh mẽ hơn. Chúng ta đã chiến đấu với Al Qaeda và dồn chúng vào chân tường. Nhờ vào lòng can đảm của các nhân viên tình báo của chúng ta mà Bin Laden không bao giờ còn đe dọa được nước Mỹ. Chúng ta cũng đã tăng cường mối quan hệ với đồng minh của chúng ta trong khi cải thiện được tình hình an ninh nội địa. Là người Mỹ, chúng ta từ chối sống trong sợ hãi. Ngày nay, một tòa tháp mới được mọc lên trên đường chân trời thành phố New York, và đất nước của chúng ta mạnh hơn, an toàn hơn và được tôn trọng hơn”.

Tuy nhiên, không giống với những lời ông Obama nói, trong những ngày này, an ninh tại thành phố New York và trên toàn nước Mỹ được siết chặt. Cảnh sát New York rà soát an ninh khắp hệ thống tàu điện ngầm, siết chặt kiểm soát trên các con phố, cây cầu và đường hầm ở đây. Còn người dân Mỹ dường như cảm thấy mệt mỏi với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động tại chiến trường Iraq và Afghanistan.

Trải qua 11 năm, cuộc chiến chống khủng bố đã không làm thay đổi diện mạo an ninh cho nước Mỹ và thế giới, mà thậm chí còn khiến tình hình bất ổn lan rộng. Ngay tại nước Mỹ, không ít lần Bộ Quốc phòng phải đặt các căn cứ quân sự trên toàn quốc ở mức báo động cao nhất. 

Việc Mỹ sa lầy tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan cũng đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hai cuộc chiến đã làm hơn 6.000 lính Mỹ thiệt mạng và 45.000 người bị thương. Không dừng lại ở đó, hai cỗ máy chiến tranh này ngốn hàng nghìn tỷ USD từ ngân sách, góp phần đẩy nợ công của Mỹ lên tới 16.000 tỷ USD. Hậu quả là nền kinh tế tiếp tục trì trệ, làm gia tăng sự bất mãn trong người dân, nguyên nhân làm tăng tỷ lệ các vụ bạo lực tại Mỹ. 

Trên thế giới, ngay tại hai chiến trường đầu tiên mà Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, chiến tranh không những không đem lại một môi trường an ninh như lời hứa của Washington mà thậm chí đã gây ra những tàn phá nặng nề. Các vụ tấn công khủng bố tiếp tục xảy ra hàng ngày khiến cho hai quốc gia này, dù hơn 10 năm nằm trong sự bảo trợ quân sự của Mỹ, vẫn là những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Chiến tranh làm hàng trăm nghìn dân thường Afghanistan và Iraq thiệt mạng, hàng triệu người rơi vào cảnh tỵ nạn và nền kinh tế kiệt quệ. 

Không dừng lại ở đó, Mỹ đã khiến mối quan hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo trở nên căng thẳng khi nhiều quốc gia như Iran, Iraq Syria, Libya, Yemen, bị Mỹ liệt vào diện chứa chấp khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ khởi xướng giờ đây đã lan rộng ra phạm vi toàn cầu và các vụ tấn công khủng bố cũng xảy ra khắp nơi trên thế giới. 

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, người Mỹ đều mệt mỏi sau hơn một thập niên chiến tranh tại Afghanistan và Iraq. 11 năm trước, vụ tấn công khủng bố của Al Qaeda đã làm thay đổi cục diện chống khủng bố trên toàn thế giới. 11 năm sau, các chính sách chiến lược đối phó khủng bố bị đánh giá chưa đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra ban đầu. 

Và điều không mong đợi, từ vị trí nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, nước Mỹ đang ngày càng nhận được nhiều sự chỉ trích, quay lưng hơn là sự hậu thuẫn. Không biết đến khi nào thì nước Mỹ có thể tuyên bố chiến thắng chủ nghĩa khủng bố? Nhưng có một điều nước Mỹ giờ đã nhận ra chân lý mà vị Tổng thống thứ 4 của họ là James Madison đã từng nói “không một quốc gia nào có thể bảo đảm hòa bình cho chính mình trong khi lại muốn tiến hành chiến tranh ở nơi khác”. /.