Nữ Thủ tướng xinh đẹp Thái “thót tim” trước giờ G

      Hôm nay, nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra sẽ phải đối diện với thách thức lớn nhất trong gần 3 năm cầm quyền khi lực lượng biểu tình chống chính phủ tràn ra khắp các đường phố của Bangkok để thực hiện kế hoạch đóng cửa thủ đô nhằm gây sức ép buộc bà từ chức.

 1

Nữ Thủ tướng Yingluck

Mặc dù tỏ ra bình tĩnh, tự tin nhưng bà Yingluck không khỏi lo lắng và hồi hộp trước giờ G – thời điểm người biểu tình phát động chiến dịch dồn ép bà.

Những người biểu tình được dẫn dắt bởi cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban đã bắt đầu phong tỏa các khu vực đường giao nhau chính ở thủ đô từ chiều tối ngày hôm qua (12/1) với mục tiêu gây ra một sự hỗn loạn về giao thông ở thành phố có khoảng 12 triệu dân và thường xuyên bị tắc nghẽn vào giờ cao điểm này.

Theo kế hoạch được thông báo từ cách đây nhiều ngày, lực lượng biểu tình chống chính phủ sẽ phong tỏa 7 khu vực đường giao nhau chính ở thủ đô. Cùng với đó, những người biểu tình sẽ kéo đến bao vây các tòa nhà, văn phòng chính phủ cùng với dinh thự riêng của Thủ tướng Yingluck và các bộ trưởng. Phe biểu tình còn tuyên bố sẽ cắt nguồn điện và nước đến những tòa nhà và dinh thự nói trên.

Tối qua, lực lượng biểu tình đã phong tỏa con đường tiến vào một tổ hợp tòa nhà chính phủ ở đường Chaeng Wattana và dự kiến sẽ chiếm đóng thêm 7 khu vực đường giao nhau lớn khác. Chiến dịch biểu tình rầm rộ đóng cửa thủ đô Bangkok được thông báo sẽ là chính thức bắt đầu vào 9 giờ sáng nay. Chưa rõ là ông Suthep có thể lôi kéo được bao nhiêu người ủng hộ đến tham gia nỗ lực được cho là lớn nhất này nhằm buộc chính phủ của bà Yingluck phải ra đi. Trước đó, phe biểu tình đã tiến hành tập duyện vài lần để kêu gọi sự tham gia của mọi người ở thủ đô Bangkok. Để đối phó với kế hoạch của người biểu tình, chính phủ đã huy động 20.000 binh lính và cảnh sát.

Chính quyền của Thủ tướng Yingluck đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình đường phố do ông Suthep dẫn dắt kéo dài suốt hơn 2 tháng qua. Ông Suthep đã từ chối đàm phán với bà Yingluck đồng thời bác bỏ luôn cả kế hoạch bầu cử sớm mà chính phủ lâm thời Thái Lan đưa ra nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay. Phe biểu tình khăng khăng đòi lập một cái gọi là “hội đồng nhân dân” không phải do người dân bầu lên để lên nắm quyền lãnh đạo đất nước thay bà Yingluck. Theo lời ông Suthep, “hội đồng nhân dân” sẽ thực hiện các cải cách chính trị và xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của gia đình Shinawatra trước khi tiến hành các cuộc tổng tuyển cử.

Phe biểu tình và đối lập đương nhiên là không chấp nhận kế hoạch bầu cử của chính quyền bà Yingluck bởi họ biết trước là không có cơ hội giành chiến thắng trong những cuộc bầu cử như thế này. Kể từ năm 2001 đến giờ, các đảng phái thân cựu Thủ tướng Thaksin luôn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Trong 5 cuộc bầu cử mới nhất kể từ khi ông Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, các đồng minh của vị cựu Thủ tướng luôn là lực lượng chiếm đa số phiếu. Đảng Dân chủ đối lập chỉ lên cầm quyền bằng các cuộc đảo chính quân sự hay pháp lý hoặc là những cuộc biểu tình.

Bất chấp sức ép mạnh mẽ từ lực lượng biểu tình, nữ Thủ tướng Yingluck kiên quyết từ chối từ chức với tuyên bố bà không muốn phụ lòng gần 16 triệu người dân đã tin tưởng bỏ phiếu cho bà trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo bà Yingluck, 16 triệu người dân xứng đáng có được tiếng nói trong việc quyết định tương lai của đất nước.

Chính phủ tự tin kiểm soát được tình hình

Đối diện với thách thức lớn nhất từ trước đến nay, chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck tỏ ra khá tự tin. Hồi cuối tuần trước, Thủ tướng lâm thời Yingluck đã tuyên bố, chính phủ có khả năng kiểm soát được tình hình trong kế hoạch đóng cửa hoàn toàn thủ đô Bangkok của người biểu tình. Bà cũng khuyên người dân nên tiếp tục cuộc sống như bình thường.

Bà Yingluck cho biết, hơn 20.000 binh lính và cảnh sát sẽ được triển khai đến những khu vực quan trọng ở thủ đô Bangkok để duy trì hòa bình và trật tự.

Thủ tướng Thái Lan kêu gọi tất cả các bên hãy tìm kiếm những cách thức nhằm giúp đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay bằng việc thông qua kế hoạch thành lập hội đồng cải cách của chính phủ song song với việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới.

Mặc dù tự tin nhưng bà Yingluck cũng thừa nhận rằng, bà quan ngại về việc sẽ có những “bàn tay thứ ba” tận dụng cơ hội này để khích động bạo lực, đẩy cuộc khủng hoảng Thái Lan vào tình hình nghiêm trọng hơn.

Trong lúc này, thủ đô Bangkok vẫn cố gắng duy trì hoạt động như bình thường. Ngoại trưởng Surapong cho biết, các văn phòng chính phủ, các ngân hàng và thị trường tài chính vẫn hoạt động bình thường trong ngày hôm nay. Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo người dân của họ ở Bangkok tích trữ tiền bạc, nguồn lương thực, nước uống và thuốc men cho đủ trong 2 tuần.

Theo Bộ trưởng Giao thông Chadchart Sittipunt, các cuộc biểu tình sẽ không thể làm tê liệt thủ đô Bangkok bởi các tuyến tàu điện ngầm, đường sắt trên cao và các bến phà vẫn hoạt động như bình thường. Chính phủ đã mở thêm 36 điểm đỗ xe, có thể đỗ khoảng 18.000 xe nhằm giúp mọi người có thể đi lại trong nội đô bằng xe hơi.

 “Chúng tôi không nghĩ họ sẽ đóng cửa được nhiều con đường nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn tình hình”, Bộ trưởng Sittipunt cho hay.

Về đường hàng không, hai sân bay ở thủ đô Bangkok cũng sẽ hoạt động như mọi ngày bởi ông Suthep tuyên bố không nhằm mục tiêu vào những nơi này.

Nguồn Vnmedia