Những câu chuyện được quan tâm năm 2012


Thủ tướng V.Pu-tin và Tổng thống Ð.Mét-vê-đép (người thứ hai và thứ ba từ phải sang) có nhiều khả năng tiếp tục lãnh đạo LB Nga. Ảnh RIA-Novosti  
Báo chí thế giới coi năm 2011 là “năm bận rộn” với hàng loạt sự kiện luôn là “tin nóng” của các hãng thông tấn, tờ báo và mạng thông tin trên toàn cầu. Nhiều câu chuyện tiếp tục được quan tâm và chờ đợi hồi kết trong năm 2012.

Cuộc vật lộn cứu đồng ơ-rô có tới đích? Các nền kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) tiếp tục chống chọi căn bệnh truyền nhiễm có tên “khủng hoảng nợ công” được cảnh báo có thể bùng nổ trong năm 2012. Các gói cứu trợ tài chính của EU và IMF vẫn chưa giúp “bi kịch” của Hy Lạp tới hồi kết, trong khi một vài quốc gia thành viên Eurozone đứng trước nguy cơ thất bại trong các giải pháp giảm nhẹ “núi nợ” chồng chất. Thế giới quan tâm châu Âu sẽ vượt qua rào cản bất đồng lợi ích như thế nào để tìm lời giải cho bài toán “tồn tại hay không tồn tại” của đồng ơ-rô.

Có hay không “cuộc lật đổ ở Ða-mát”? Các cuộc biểu tình ở Xy-ri leo thang thành phong trào nổi dậy, với hàng nghìn người xuống đường đòi lật đổ chính quyền Tổng thống A.Át-xát. LHQ ước tính số người chết trong các cuộc đụng độ ở Xy-ri tới hơn 5.000 người. Bạo lực có chiều hướng gia tăng, bất chấp sự có mặt của các quan sát viên Liên đoàn A-rập (AL) tới giám sát việc thực thi thỏa thuận hòa giải. Giữa lúc Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ chia rẽ về lập trường đối với cuộc xung đột ở Xy-ri, động thái bất ngờ của AL ngừng hoạt động giám sát càng khiến người ta nghĩ tới một “kịch bản Li-bi” lặp lại ở Xy-ri. Liệu ông Át-xát có duy trì lực lượng đủ mạnh và thực thi những cải cách táo bạo để chống chọi một cuộc lật đổ?

Phản ứng nào từ Ðiện Krem-li ? Thủ tướng Nga V.Pu-tin, người từng giữ chức Tổng thống LB Nga hai nhiệm kỳ liên tiếp (2000-2008), được đánh giá sẽ giành thắng lợi dễ dàng trước các đối thủ đua tranh trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 3-2012 và có thể nắm quyền lãnh đạo thêm 12 năm nữa. Tuy nhiên, hình ảnh hàng chục nghìn người đổ ra đường phố những tuần cuối cùng năm 2011 để phản đối kết quả bầu cử Ðu-ma quốc gia gây lo ngại xảy ra một “Mùa đông nước Nga”.

Mười tháng vận động để ở lại Nhà trắng? Nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma dường như dựa trên nền tảng không chắc chắn. Số người ủng hộ ông Ô-ba-ma ở mức thấp nhất, kinh tế khó khăn và thất bại trong việc giúp đạt được sự thỏa hiệp giữa hai phe trong QH… là những rào cản chính trong việc tái đắc cử của ông Ô-ba-ma. Ðảng Cộng hòa cũng trong tình trạng thiếu một ứng cử viên thật sự nổi trội và vì thế không dễ dàng đánh bại ông Ô-ba-ma của đảng Dân chủ. Ông Ô-ba-ma có mười tháng để vận động cử tri. Nỗ lực bứt phá nào đưa ra để giúp ông ở lại Nhà trắng?

Quá độ ở Bình Nhưỡng có yên ả? Nhà lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên Kim Châng Un tiếp quản quyền điều hành đất nước, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, đàm phán về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tiếp tục bế tắc. Cuộc chuyển giao quyền lực thuận lợi và sự ủng hộ của người dân liệu có giúp ông Kim Châng Un đưa đất nước vượt qua sóng gió? Các bước quá độ ở Bình Nhưỡng được cả thế giới, nhất là các nước láng giềng Triều Tiên và Mỹ theo dõi sát sao. 

Quan hệ I-ran - phương Tây: Báo cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) lần đầu đề cập việc Tê-hê-ran đang cố gắng phát triển vũ khí hạt nhân. Tranh cãi leo thang tới nút thắt mới, khi I-ran dọa đóng cửa eo biển Hoóc-mút chiến lược, trong khi Mỹ, EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới chống Tê-hê-ran. Không nhiều dấu hiệu về khả năng xảy ra tiến công quân sự nhằm vào I-ran. Ðiều quan tâm là căng thẳng sẽ kéo theo những “cú va chạm” nào và hậu quả của nó đến đâu?

An Kê-đa nguy hiểm hơn: An Da-oa-hi-ri bước lên vị trí thủ lĩnh mạng lưới khủng bố An Kê-đa sau cái chết của trùm khủng bố Bin La-đen giữa năm 2011. Nhiều năm trước đó, Da-oa-hi-ri đã là “bộ mặt công khai” của An Kê-đa và Mỹ từng treo giải thưởng 25 triệu USD cho thông tin về nơi ẩn náu của nhân vật này. Hiện nhân vật này đã tăng cường tuyên truyền và thay đổi giọng điệu, cũng như tốc độ công bố các thông điệp của An Kê-đa. Ðó có thể là dấu hiệu cho thấy Da-oa-hi-ri sẽ không đứng sau các nỗ lực duy trì An Kê-đa, mà còn trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.