Nhật Bản với quyết định ngừng hoạt động tất cả các nhà máy điện hạt nhân

       Như vậy là để đảm bảo sự an toàn cho người dân và thể theo nguyện vọng của đại đa số người dân Nhật Bản, Chính phủ nước này đã cho đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Và rất có thể, Nhật Bản sẽ vĩnh viễn không còn năng lượng hạt nhân nếu quốc gia này vượt qua được mùa hè năm nay mà không cần điện hạt nhân.

 Từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, nước Nhật đã đi đến quyết định ngừng hoạt động
tất cả các nhà máy điện hạt nhân trong cả nước  (Ảnh: AP)


Năm 2011 là một năm đáng ghi vào lịch sử của nước Nhật với sự kiện động đất – sóng thần ngày 11/3. Thiệt hại về người và của sau thảm họa kép là những điều mà người dân Nhật Bản có thể hình dung được. Nhưng họ hoàn toàn bất ngờ khi đất nước của họ phải đứng trước một bước ngoặt lớn về vấn đề năng lượng hạt nhân. Nhật Bản phải đưa ra quyết định có hay không việc các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động.

Thảm họa kép đã làm hư hại các lò phản ứng và hệ thống làm mát trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, dẫn tới các vụ nổ tại cơ sở này chỉ một ngày sau khi thảm họa xảy ra ở vùng đông bắc của Nhật Bản. Các vụ nổ tiếp sau đó đã khiến người dân Nhật Bản hết sức lo ngại về sự rò rỉ của các lò phản ứng. Hàng chục nghìn người đã rơi vào cảnh không nhà cửa vì thảm họa hạt nhân Fukushima. Nhiều vùng đất bên trong khu vực bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima I được cho là sẽ không thể sinh sống được trong nhiều thập kỷ nữa vì mức độ phóng xạ quá cao tại đây.

Như vậy có thể thấy, thảm họa hạt nhân Fukushima đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, sức khỏe của người dân Nhật Bản. Từ thảm họa này, vấn đề xây dựng và sử dụng các nhà máy điện hạt nhân lại trở nên thời sự hơn bao giờ hết trên thế giới. Thảm họa Fukushima cũng khiến các nước hàng đầu thế giới phải xem xét lại chương trình phát triển “hạt nhân hòa bình” của mình.

Trước khi nhà máy điện hạt nhân cuối cùng đóng cửa vào ngày 5/5 vừa qua, có 53 nhà máy khác đã ngừng hoạt động để được kiểm tra độ an toàn. Mặc dù các lò phản ứng hạt nhân này đóng góp 1/3 nhu cầu điện năng của Nhật Bản nhưng người dân nước này đã phản đối việc tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân, vì sự an toàn của chính họ.

Sau vài lần quyết định đóng cửa rồi thuyết phục khởi động lại vài lò phản ứng, nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda cuối cùng phải nhượng bộ yêu cầu đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân từ phía những chính khách, người dân có ý kiến đối lập.

Với việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân thứ 54 – cũng là nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ tháng 7/1966, nước Nhật không có điện nguyên tử hòa vào lưới điện quốc gia. Chính quyền Nhật Bản khuyến cáo các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka sẽ đối mặt với tình trạng thiếu điện trong những tháng nóng cao điểm của mùa hè năm nay.

Trước những cảnh báo của Chính phủ rằng Nhật Bản sẽ thiếu điện nếu không có điện hạt nhân nhưng nhiều người dân Nhật vẫn muốn ăn mừng. Trong khi đó, nhiều người sống gần các nhà máy điện hạt nhân lại có những vui buồn lẫn lộn vì đóng cửa các nhà máy có nghĩa là họ sẽ bị mất việc.

Những người ủng hộ điện hạt nhân cho rằng nền kinh tế Nhật Bản vốn yếu đi sau nhiều năm giảm phát sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả do thiếu điện khi đóng cửa các lò phản ứng. Năng lượng tái sinh, chủ yếu là thủy điện, chỉ chiếm 10% sản lượng điện của nước này. Trong khi đó năng lượng gió và mặt trời chỉ chiếm 1%.

Với nguồn năng lượng khiêm tốn nếu không tính năng lượng hạt nhân, trong thời gian vừa qua, Nhật Bản đã bắt đầu hiện thực hóa những biện pháp nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện. Và cho đến nay, Nhật Bản đã khá thành công trong việc giữ đủ nguồn cung điện, một phần nhờ vào các chương trình tiết kiệm điện nghiêm ngặt, chẳng hạn như tắt điều hòa trong mùa hè hoặc không bật điện văn phòng vào ban ngày. Nhật cũng tăng công suất phát điện từ các nhà máy điện thông thường, mặc dù nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy này là khí ga tự nhiên hoặc than thường làm tăng giá thành phát điện.

Nói như lời của giáo sư Andrew DeWit (Đại học Rikkyo, Tokyo): “Có thể đây là sự chấm dứt của năng lượng hạt nhân ở Nhật Bản. Nếu nước Nhật vượt qua được mùa hè này mà không cần điện hạt nhân, họ sẽ không khởi động lại chúng”. Như vậy, việc đưa ra quyết định ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân cuối cùng đã là một quyết định rất khó khăn đối với Chính phủ Nhật Bản. Nhưng những việc phải làm sau quyết định đó còn khó khăn hơn, khi mà Chính phủ sẽ phải có nhiều quyết sách, nhiều hành động hơn nữa để đảm bảo điện năng, đảm bảo sự phát triển kinh tế đất nước khi không còn năng lượng hạt nhân./.