Nhật Bản tích cực xích lại gần ASEAN

Với chuyến thăm Lào và Campuchia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công du tất cả 10 nước Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức tháng 12 năm ngoái.

Các chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh đang gia tăng căng thẳng vì nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện đang do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông.

Trong khi đó, sức mạnh quân sự ngày càng tăng và những tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc tại Biển Đông cũng đã làm dấy lên mối lo ngại của một số nước ASEAN về an ninh hàng hải.

Trước chuyến thăm của ông Abe, hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin, các chuyến thăm lần này của ông Abe là nhằm tăng cường quan hệ với các nước ASEAN có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, để thúc đẩy xuất khẩu công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhật, đồng thời muốn lấy đó đối trọng với Trung Quốc.

Theo UPI, ở cả Lào và Campuchia – những nước đang ghi dấu ảnh hưởng ngày một sâu sắc của Trung Quốc, ngoài những cam kết kinh tế, ông Abe còn thảo luận về các vấn đề an ninh liên quan tới Biển Đông cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực.

1
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Campuchia hôm 16/11

Trong thời gian tới, Thủ tướng Abe cũng sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh giữa Nhật Bản và các nước ASEAN diễn ra tại Tokyo, từ 13 – 15/12, nhân kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, trong khi không có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Hàn Quốc do có những bất đồng và căng thẳng trong quan hệ liên quan đến tranh chấp lãnh hải tại biển Hoa Đông và một số vấn đề khác.

Trung Quốc khó chịu

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng ông Abe đang nhằm mục tiêu vào Bắc Kinh thông qua chiến lược ngoại giao của mình ở khu vực châu Á, cụ thể là Đông Nam Á.

Lu Yaodong, Trưởng ban nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng từ khi đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Nhật Bản, chiến lược ngoại giao của ông Abe chủ yếu tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc bằng cách thúc đẩy chính sách đối ngoại theo hướng đề cao giá trị. Ông Abe đã đề cập đến vấn đề Trung Quốc trong tất cả các chuyến thăm của mình tới các nước Đông Nam Á, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề lãnh hải.  Theo nhà phân tích này, bằng cách đó, Tokyo đang cô lập Bắc Kinh.

Sự tập trung của Nhật Bản về vấn đề tranh chấp trên biển Đông là một phần trong chiến lược của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Tokyo cho rằng Philippines có thể dựa vào sự hỗ trợ về mặt quân sự của Nhật Bản khi xung đột xảy ra với Trung Quốc, Ma Junwei, Phó Trưởng ban nghiên cứu Nhật Bản, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.

Philippines là một trong những nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Trong khi Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang tồn tại vấn đề tương tự ở biển Hoa Đông. Do vậy ông Abe luôn yêu cầu các vùng biển châu Á phải rộng mở, tự do và ổn định.

Cuối tuần qua, Nhật Bản đã cử 1.180 quân nhân của Lực lượng tự vệ đến Philippines hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Haiyan – một trong những sứ mệnh giải cứu quốc tế lớn nhất mà Nhật Bản từng tham gia.

“Những hành động này cũng nhằm kiểm soát Trung Quốc” – một nguồn tin chính phủ Nhật Bản nói với báo Asahi (Nhật Bản).

Tuy nhiên, Jiang Yuechun, Trưởng ban nghiên cứu Kinh tế thế giới cũng thuộc viện trên thì cho rằng vấn đề kinh tế đóng vai trò quan trọng trong các chuyến công du của ông Abe tới các nước ASEAN, bởi vì đây là đối tác truyền thống của Nhật Bản và “ngày càng nhiều công ty của Nhật chuyển sang làm ăn tại khu vực Đông Nam Á từ khi căng thẳng leo thang giữa Tokyo và Bắc Kinh”.

Còn chuyên gia Wu Shicun tại Viên nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông lại nhận định, hầu hết các nước Đông Nam Á sẽ không đứng về phía nào vì “các quốc gia trong khu vực luôn luôn hành động theo lợi ích quốc gia của mình và tìm kiếm sự cân bằng giữa các cường quốc, không chống lại bên nào”./.

Nguồn Tổ quốc