Ngoại trưởng Mỹ và sứ mệnh “hạ nhiệt” tại Đông Bắc Á

Chuyến đi của ông Kerry được kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề nổi cộm tại khu vực Đông Bắc Á hiện nay.

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc bằng cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Sau đó, ông Kerry cũng đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 14/2 (Ảnh: AFP)

Theo AFP, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ đến châu Á diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng, khi mà các tranh cãi của Bắc Kinh và Tokyo liên quan đến quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông đã khiến quan hệ giữa hai nước hiện rơi xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Vấn đề Triều Tiên cũng được cho là một trong những chủ đề chính trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Kerry. Washington hy vọng rằng, Bắc Kinh sẽ bảo đảm giúp đỡ, thúc giục đồng minh của họ là CHDCND Triều Tiên có những hành động thiện chí hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Kerry nói với các phóng viên cho hay: “Cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trên tình thần xây dựng, rất tích cực và tôi rất vui vì chúng tôi đã có cơ hội để đề cập đến một số chi tiết liên quan đến vấn đề Triều Tiên”.

Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, ông Kerry không đề cập đến vấn đề an ninh hoặc các tranh chấp khác mà hai nước phải đối mặt nhưng lưu ý rằng, Mỹ và Trung Quốc đang thành công trong việc tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề nổi cộm mà hai bên cùng quan tâm, chẳng hạn như về Syria, Afghanistan và Iran.

Về phía mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Mỹ, qua đó thể hiện rõ nguyên tắc ngoại giao không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

Trước đó, hôm 13/2, tại chặng dừng chân đầu tiên ở Seoul trong chuyến công du châu Á lần này, Ngoại trưởng John Kerry đã khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Kerry nhấn mạnh, Mỹ sẽ không đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên về vấn đề hạt nhân nếu như nước này chỉ đàm phán chiếu lệ chứ không thành tâm. Ông khẳng định quan điểm, Triều Tiên sẽ không được công nhận là quốc gia hạt nhân.

Cũng tại Seoul, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nêu rõ, Seoul và Tokyo cần nỗ lực cải thiện quan hệ và đây là thời điểm quan trọng để duy trì sức mạnh cho quan hệ ba bên Mỹ – Nhật – Hàn.

Ông Kerry nói: “Mối quan hệ tích cực giữa Nhật Bản và các nước láng giềng mang lại các lợi ích không chỉ cho mỗi nước, mà cả Mỹ và toàn bộ khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”./.

Nguồn VOV