Nga – NATO: Giai đoạn căng thẳng mới

Không thể có một cơ hội nhằm làm dịu căng thẳng giữa Nga và Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi tại Hội nghị Thượng đỉnh của tổ chức này, lãnh đạo các nước NATO đã nhất trí triển khai lực lượng đa quốc gia tới sườn phía Đông của khối, sát biên giới với Nga. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự này đã nhất trí duy trì một chính sách răn đe và đối thoại thống nhất với một nước Nga đang trỗi dậy.

Cuộc triển khai mang tính đa quốc gia

Tuy ngày 9-7, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel tuyên bố Hội nghị không nhằm chống lại Nga, nhưng phát biểu tại cuộc họp báo tại Warsaw, Ba Lan, ông Stoltenberg lưu ý “hiện NATO đang ở trong tình hình mới, khác hoàn toàn với những gì chúng tôi đã trải qua trước đây”. Ông nêu rõ: “Chúng tôi không thấy có bất kỳ mối đe dọa sắp xảy ra nào nhằm vào các đồng minh của NATO. Nga không phải là đối tác chiến lược nhưng chúng tôi cũng không ở trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.

Lãnh đạo các nước NATO đã nhất trí triển khai lực lượng đa quốc gia tới các nước vùng Baltic và Ba Lan, đồng thời giao nhiệm vụ cho đại sứ các nước này giải thích về biện pháp trên với Mátxcơva vào tuần tới. Ông Stoltenberg nói rằng các tiểu đoàn được triển khai sẽ rất mạnh và mang tính đa quốc gia. Theo ông, việc triển khai nhằm thể hiện rõ rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh sẽ được coi là cuộc tấn công vào toàn thể NATO.

Binh sĩ Mỹ được triển khai tại Estonia

Bốn tiểu đoàn được NATO triển khai sẽ do Mỹ, Đức, Anh và Canada đứng đầu. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ triển khai thêm 1.000 binh sĩ và lập một sở chỉ huy riêng tại Ba Lan. Cùng với Mỹ sẽ có 3 tiểu đoàn khác do Canada, Đức và Anh dẫn đầu được triển khai tới 3 quốc gia vùng Baltic như Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan – các đồng minh phía Đông của NATO.

Theo ông Stoltenberg, sự hiện diện của các tiểu đoàn ở sườn phía Đông sẽ được duy trì chừng nào còn cần thiết và không bị giới hạn về thời gian. Theo kế hoạch, 4 tiểu đoàn có số lượng mỗi đơn vị từ 800 – 1.200 người. Biện pháp này là một thành tố trong quá trình áp dụng khả năng răn đe và phòng thủ toàn diện hơn của NATO do cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cũng liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh NATO, Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã ký Tuyên bố chung về hợp tác phòng thủ – là văn kiện chính thức đầu tiên về hợp tác giữa EU và NATO. Văn kiện hợp tác này sẽ đảm bảo việc phối hợp các nguồn lực của EU và NATO để đối phó với các thách thức chung, như vấn đề người di cư, tấn công mạng và các mối đe dọa khác.

Ngày 9-7, các đồng minh của NATO đã cam kết với Mỹ rằng họ sẽ chi khoảng 1 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ quân sự cho Afghanistan.

Chờ đợi cuộc đối thoại 13-7

Đề cập tới cuộc họp của Hội đồng Nga – NATO, diễn ra vào ngày 13-7 tới về những quyết định của NATO về tăng cường hoạt động tại sườn phía Đông của khối này và những hậu quả đối với mọi khía cạnh của an ninh châu Âu, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nhấn mạnh rằng sự kiện này nêu bật sự cần thiết của đối thoại để giải quyết những bất đồng trong quan hệ song phương.

Bất chấp Tổng thống Mỹ hối thúc các đồng minh NATO tăng cường khả năng răn đe quân sự đối với Nga, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng tuyên bố nên coi Nga là đối tác chứ không phải là mối đe dọa. Đối với Pháp, Nga không phải là kẻ thù, cũng không phải là mối đe dọa.

Nếu như truyền thông phương Tây tỏ ra lạc quan với quyết định trên thì ngày 9-7, truyền thông Nga đã đồng loạt phản ứng mạnh, chỉ trích hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tâm thế nghi ngờ và thù địch Nga hoàn toàn.

Tờ Trud Daily tuyên bố: “Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Hội nghị thượng đỉnh NATO đã công khai một lộ trình mở chống Nga”. Tờ Nezavisimaya Gazeta cảnh báo rằng, động thái của NATO đã phản ánh những kế hoạch về cuộc đối đầu khốc liệt hơn nữa với Nga và sẽ không có chuyện Nga “bỏ qua không có lời đáp trả” đối với kế hoạch tăng cường hoạt động quân sự tại sườn phía Đông của NATO. Tuy nhiên, tờ Moskovsky Komsomolets lại cho rằng: “Một sự leo thang căng thẳng địa chính trị ở châu Âu không phải là lợi ích của Nga”.

http://www.sggp.org.vn