Nền kinh tế Thái-lan thiệt hại nặng nề vì lũ lụt

      Trận lụt khủng khiếp nhất tại Thái-lan trong nửa thế kỷ qua đã cướp đi sinh mạng của 527 người, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người, gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế của đất nước “chùa Vàng”.

Lũ lụt trên diện rộng kéo dài từ tháng 7 vừa qua tới nay gây ảnh hưởng các ngành dịch vụ của Thái-lan ở nhiều vùng, trong đó có Thủ đô Băng-cốc, trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước. Ðến nay, gần 15 ngân hàng thương mại và tập đoàn tài chính của Thái-lan phải ngừng giao dịch ở 482 chi nhánh tại các tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt, trong đó có gần 200 chi nhánh ở Thủ đô Băng-cốc. Giá các loại thực phẩm, nguyên vật liệu, nhất là rau tươi phục vụ ngành dịch vụ nhà hàng tăng gấp nhiều lần khiến cho ngành dịch vụ này bị ế ẩm. Hơn 70% trong số 12.000 nhà hàng đăng ký kinh doanh tại Băng-cốc phải đóng cửa, thiệt hại khoảng tám tỷ bạt/tháng. Nhiều ngành kinh tế khác như sản xuất nông nghiệp và du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Theo số liệu thống kê ban đầu, đợt lũ lụt nghiêm trọng tại Thái-lan hiện nay làm hoạt động sản xuất lúa gạo của nước này bị thiệt hại nặng. Thái-lan sẽ mất trắng khoảng sáu triệu tấn gạo trong năm tài khoá 2011-2012. Ước tính, sản lượng gạo của nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay giảm còn 19 triệu tấn. Các hãng lữ hành cho biết, nhiều du khách đã đặt tua du lịch Thái-lan trong năm nay, nhưng do hơn một nửa đất nước bị ngập nên nhiều du khách đã hủy tua du lịch. Ngành du lịch Thái-lan ước tính, số khách du lịch quốc tế đến nước này trong năm nay sẽ chỉ còn 16 triệu lượt khách, giảm hai triệu lượt khách so dự báo trước đây.

Là nước xuất khẩu đứng hàng thứ hai thế giới về các ổ cứng máy tính và là nơi sản xuất chính các linh kiện ô-tô tại khu vực Ðông - Nam Á, trận lụt đã khiến bảy khu công nghiệp ở Thái-lan bị tác động. Ngành công nghiệp    ô-tô là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của lũ lụt. Hai khu công nghiệp lớn là Lát Kra-bang và Bang-chan ở Băng-cốc, với 254 nhà máy ô-tô, trong đó phần lớn là các nhà máy có vốn đầu tư của Nhật Bản, bị tác động mạnh. Hãng sản xuất ô-tô hàng đầu Nhật Bản Toyota buộc phải để ba nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô-tô ở Thái-lan ngừng hoạt động, dẫn đến hậu quả phải ngừng sản xuất tại bốn nhà máy ở Mỹ và    Ca-na-đa vì gặp khó khăn về nguồn cung cấp phụ tùng từ Thái-lan. Ước tính, khoảng 1.800 nhà máy sản xuất của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt ở Thái-lan. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố dành hỗ trợ mở rộng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn tại Thái-lan, giúp họ khôi phục hệ thống sản xuất và hoạt động kinh doanh. Lũ lụt kéo dài đã làm gián đoạn hoạt động nhiều nhà máy sản xuất linh kiện máy tính của Thái-lan, gây ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động sản xuất máy vi tính trên thế giới. Giám đốc điều hành tập đoàn máy tính Mỹ Apple T.Cúc cảnh báo, sự gián đoạn nguồn cung linh kiện máy tính từ Thái-lan gần như chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng thị trường máy tính thế giới. Theo thống kê của các chuyên gia Mỹ, nguồn cung linh kiện và ổ cứng máy từ Thái-lan chiếm 30 - 40% thị phần thế giới, do đó, sự gián đoạn nguồn cung này sẽ ảnh hưởng nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù tình trạng lũ lụt bắt đầu giảm tại một số tỉnh, nhưng theo thống kê sơ bộ của nhà chức trách Thái-lan, lũ lụt vẫn hoành hành tại 24 trong số 77 tỉnh, ảnh hưởng 1,1 triệu hộ gia đình và 2,9 triệu người. Tính từ cuối tháng 7 đến nay, khoảng 3,3 triệu hộ gia đình và 11,3 triệu người dân ở 64 trong số 77 tỉnh đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tại Thủ đô Băng-cốc, 31 trong tổng số 50 quận vẫn bị ngập cục bộ hoặc toàn phần, khiến 11 nghìn người phải sống trong các lều tạm. Hơn 600 nghìn công nhân mất việc tạm thời do 20.000 doanh nghiệp tại 16 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lớn kéo dài. Ngân hàng Thái-lan có kế hoạch giảm mức tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay xuống thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 4,5%. Chính phủ Thái-lan tiếp tục huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của lũ dữ.