Mỹ: Trì hoãn đàm phán COC làm tăng căng thẳng trong khu vực

Phát biểu trong chuyến thăm Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng hối thúc các nước trong khu vực đẩy nhanh việc cho ra đời bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, bởi trì hoãn chỉ khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp phía Indonesia Natalegawa

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp phía Indonesia Natalegawa

 Tuyên bố trên được ông Kerry đưa ra trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà, Bộ trưởng ngoại giao Indonesia Natalegawa.

Ông Kerry cảnh báo, sự ổn định trong tương lai của khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào những nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc cho ra đời bộ quy tắc ứng xử COC, để giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

“Không quá khi nói rằng sự ổn định của khu vực trong tương lai phụ thuộc một phần vào thành công và lộ trình của những nỗ lực cho ra đời bộ quy tắc ứng xử”, ông Kerry phát biểu trong lúc đứng cạnh Bộ trưởng ngoại giao nước chủ nhà, người đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy đàm phán COC giữa ASEAN và Bắc Kinh.

“Tiến trình này càng kéo dài bao nhiêu, căng thẳng trong khu vực sẽ sôi sục lâu bấy nhiêu, và nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm của một bên nào đó, có thể gây ra một cuộc xung đột cũng lớn hơn”.

Ông Kerry đến Jakarta trong điểm dừng chân cuối cùng của chuyến công du 3 quốc gia châu Á. Trước đó vị ngoại trưởng Mỹ đã kêu gọi lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông một cách hòa bình, từ bỏ cách tiếp cận quyết liệt.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, sau khi đầu tư mạnh tay cho hải quân. Những năm gần đây Bắc Kinh ngày càng có thái độ quyết liệt hơn. Chính điều này đã làm gia tăng căng thẳng tại một trong những điểm có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự lớn chất châu Á, và càng khiến Washington thêm lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam – đều là các quốc gia thành viên ASEAN – cũng có tuyên bố chủ quyền đối với một phần Biển Đông.

ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất với nhau một tuyên bố sơ bộ về ứng xử trên Biển Đông năm 2002, nhưng các nỗ lực để cho ra đời COC vẫn ít tiến triển.

Trung Quốc khăng khăng chỉ đàm phán tranh chấp chủ quyền trên cơ sở song phương, nhưng các quốc gia ASEAN muốn đàm phán đa phương.

Trong tuyên bố của mình, ông Kerry đã ca ngợi nỗ lực của ông Natalegawa trong việc tạo sự đồng thuận trong ASEAN và đẩy nhanh tiến độ dự thảo COC.

“Tôi kêu gọi tất cả các bên đi theo sự dẫn dắt của ông ấy và đẩy nhanh việc đàm phán”, ông Kerry nói.

Nguồn Dân trí