Một nửa nhưng khẳng định tất cả

Phụ nữ, một nửa thế giới, đã và đang nỗ lực không ngừng vươn lên thích ứng với sự hội nhập và phát triển theo xu thế chung của nhân loại,  ngày càng khẳng định vai trò, sức mạnh, khả năng, sức sáng tạo của mình trên tất cả các lĩnh vực đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.

Trong suôt một thời gian dài của lịch sử nhân loại, thân phận phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi do tư tưởng trọng nam khinh nữ. Căm phẫn trước sự đè nén và áp bức đó, ngày 8/3/1899, nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại các thành phố Chicago và New York (Mỹ) đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm.

Mặc dù giới chủ tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh, buộc họ phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “Ngày phụ nữ”. Các cuộc mít-tinh, biểu tình đã diễn ra rầm rộ đòi giảm giờ làm việc, tăng lương và hủy bỏ việc bắt trẻ em làm việc. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và hoa hồng”.

Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

Ngày 26 và 27/10/1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN tại Copenhagen (Ðan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm Ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, với các khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ; Việc làm ngang nhau; Bảo vệ người mẹ và trẻ em.

Năm 1953, Đại hội quốc tế phụ nữ đã thông qua bản “Tuyên ngôn về quyền phụ nữ”, nêu lên các yêu sách cơ bản và đồng thời là cương lĩnh đấu tranh của phụ nữ thế giới.

Đến năm 1977, Liên Hợp Quốc chính thức hóa Ngày quốc tế phụ nữ. Bất chấp những khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ, Ngày quốc tế phụ nữ là ngày toàn cầu tôn vinh những thành tựu và sự cống hiến của phụ nữ cho nhân loại. Đây là dịp biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội, vì quyền lợi, hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Hàng năm, các chính phủ, tổ chức quốc tế, các tổ chức của phụ nữ trên thế giới đều chọn các chủ đề khác nhau cho ngày lễ này của phụ nữ toàn cầu.

Trong mấy thập niên vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng của phụ nữ được bầu vào các chức vụ cao nhất tại các nước. Trên thế giới, nhiều nước đã có nữ Tổng thống hoặc nữ Thủ tướng. Hiện nay, các nước Bắc Âu được Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đánh giá là nơi có tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan lập pháp cao nhất thế giới, chiếm 41,4%. Các khu vực ở châu Âu là 21,3%, châu Phi là 18,1%, châu Á 18%, Thái Bình Dương 13% và các nước Arab 9,7%. Rwanđa ở miền Nam châu Phi được đánh giá là có Quốc hội cân bằng giới nhất trên thế giới với tỷ lệ nữ chiếm 56,3%. Tiếp đến là Thụy Điển với 47%, Cuba 43,2%, Phần Lan 41,5%…

Trên lĩnh vực giáo dục, hoàn cảnh của phụ nữ đã được cải thiện rất nhiều trong phần lớn các nước Arab, như: ở cấp đại học, cứ 3 sinh viên thì có 2 sinh viên nữ, trong khi cách đây 20 năm, 3 sinh viên nam mới có 1 sinh viên nữ. Có tới 32 quốc gia có số sinh viên nữ nhiều hơn sinh viên nam.

Không những tỷ lệ xoá nạn mù chữ trong nữ giới đã tăng, mà nhiều người trong số họ còn đạt được những học vị cao hơn trước kia. Tại Phần Lan, tỷ lệ nữ sinh viên so với nam sinh viên là 139%, tại Na Uy: 116%, Pháp: 114%, Nhật Bản: 66%, Iran: 47%, Tôgô: 22%. Tỷ lệ thoát nạn mù chữ của phụ nữ tại 3 nước Uruguay, Jamaica và Nicaragoa cao hơn so với nam giới.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thấy sự đóng góp vô cùng quan trọng của phụ nữ trong đời sống xã hội. Dù đó là sự kiện phụ nữ Afghanistan đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống hay việc phụ nữ bắt đầu mở những cơ sở kinh doanh siêu nhỏ tại Ethiopia, thì xu thế hướng tới quyền bình đẳng hơn nữa của phụ nữ trên toàn thế giới đều đã rõ ràng.

Tuy nhiên, theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, hiện nay, “sự phủ nhận các quyền con người cơ bản của phụ nữ vẫn còn dai dẳng và trên quy mô rộng”: Có 41 nước không ký Công ước về việc loại trừ tất cả những hình thức phân biệt đối xử  với phụ nữ (do Liên Hợp Quốc thông qua năm 1979). Hiện có 70% người nghèo khổ trên thế giới (tổng số lên tới 1,3 tỷ người) là phụ nữ và tỷ lệ này còn gia tăng. 60% trong số 130 triệu trẻ em không được cắp sách tới trường là các bé gái. Trong số 900 triệu người mù chữ trên thế giới có 2/3 là phụ nữ.

Ở châu Phi, 80% những người làm ra thực phẩm là phụ nữ. Công cuộc cải cách ruộng đất và các dự án phát triển đều đặt dưới sự kiểm soát của những người đàn ông trong giới chính trị.

Phụ nữ đã trải qua hàng trăm năm vất vả đi tìm quyền năng cho mình và trên con đường dài đầy gian nan ấy đã xuất hiện nhiều gương mặt nổi bật với vai trò mở đường hoặc làm thay đổi nhận thức, cải thiện cuộc sống cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới. Có thể kể tới những người phụ nữ đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế giới, như bà Indira Gandhi, người từng giữ chức Thủ tướng Ấn Độ 3 nhiệm kỳ liên tiếp (từ năm 1966 đến năm 1977) và tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 từ năm 1980 đến năm 1984, trước khi bị ám sát. Bà Margaret Thatcher là nữ Thủ tướng đầu tiên của châu Âu và cũng là Thủ tướng duy nhất của Anh trong thế kỷ XX (tại vị 3 nhiệm kỳ liên tiếp, từ năm 1979 đến 1990). Nữ Thủ tướng Israel Golda Meir là người sáng lập Nhà nước Do Thái và cũng là nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này tại chức từ năm 1969 đến năm 1974.

Chính những người phụ nữ tiêu biểu này đã mở đường cho phụ nữ ở những nước xã hội nam quyền bảo thủ vượt qua mọi rào cản để khẳng định mình./.

Nguồn Chính phủ