Một bước tiến xích lại gần hơn quá trình nhất thể hoá châu Âu

       Trong cuộc gặp gỡ được tổ chức vào chiều 16/8, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí đề xuất thành lập một chính phủ kinh tế chung cho khu vực Eurozone. Hai nhà lãnh đạo cũng đã cam kết sẽ nỗ lực tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngân sách của châu Âu. Đây được coi là động thái tích cực, tạo thêm một bước tiến mới tới quá trình nhất thể hoá châu Âu.

Điều dễ thấy nhất trong cuộc gặp lần này tại Pari là cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đều đang trong tâm trạng lo ngại về các diễn biến không mấy khả quan trên thị trường; đồng thời trông đợi những bước đi táo bạo như: Thanh toán các khoản nợ trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nhằm tái thiết lập lòng tin vào loại tiền tệ duy nhất này.

Không ít lo ngại về khả năng ổn định thị trường tài chính châu Âu

 

Hai nhà lãnh đạo Pháp - Đức trong buổi họp báo (Ảnh: Reuters)

Động lực đưa đến việc tổ chức hội nghị giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao xuất phát từ những lo ngại cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ailen có thể lây lan tới các nước lớn như Tây Ban Nha, Italia và thậm chí là Pháp.

Không chỉ riêng châu Âu mà cả thế giới đều chờ đợi cuộc đối thoại trực tiếp lần này giữa nhà lãnh đạo hai nền kinh tế trụ cột trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) có thể đưa ra những giải pháp mới và mạnh tay hơn.

Tuy nhiên, ngày 16/8, Berlin cũng như Pari đều tuyên bố phản đối thể chế trái phiếu chung của Eurozone bất chấp sự kêu gọi của các nước thành viên trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, nước này từ chối tham gia thể chế trái phiếu chung của Eurozone vì cho rằng, mỗi quốc gia thành viên cần một lãi suất khác nhau, phù hợp với sự bền vững tài chính của từng quốc gia. Tuy nhiên, nước Đức cũng không hoàn toàn phủ quyết đề xuất này mà cho biết sẽ xem xét những cải tiến dài hạn trong bộ máy điều hành và có quyết định vào tháng 10 tới.

Về phần mình, nước Pháp cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình. Tuy nhiên, giới phân tích chờ đợi khả năng Tổng thống Sarkozy sẽ có hành động mang tính quyết định trong việc giải quyết khủng hoảng, khi trước đó, Bộ trưởng Tài chính Italia Giulio Tremonti cho rằng, việc thành lập một thể chế trái phiếu chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giúp làm giảm chi phí đi vay của một số nền kinh tế đang khó khăn. Ông gọi đây là giải pháp tổng thể đối với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Tăng cường xây dựng và củng cố chính phủ kinh tế thực sự cho Eurozone

 

Nỗ lực khôi phục lòng tin vào đồng tiền chung châu Âu (Ảnh: TF1)

Trong bối cảnh cả thế giới đang “nín thở” theo dõi cuộc gặp gỡ quan trọng, có tính chất quyết định đối với nền kinh tế châu Âu nói riêng và ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế thế giới, cả Berlin và Pari đều đưa ra những cam kết tích cực cùng một số giải pháp đáng chú ý trong vấn đề quản lý khu vực Eurozone.

Tại cuộc họp báo chung được tổ chức ngay sau đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể cho 17 quốc gia thành viên Eurozone với lòng tin về tương lai ổn định thị trường tài chính châu Âu.

Theo đó, điểm đặc biệt là mong muốn tạo ra một chính phủ kinh tế thực sự, bao gồm những nhà lãnh đạo đứng đầu các chính phủ thành viên Eurozone. Chính phủ kinh tế nhóm họp 2 lần một năm hoặc nhiều hơn nếu cần; sẽ bầu ra chủ tịch nhiệm kỳ 2-5 năm. Trước mắt, vị trí này do Chủ tịch Nghị viện châu Âu Herman Van Rompuy trực tiếp lãnh đạo. Tổng thống Sarkozy cho biết, đề xuất này được chính thức hóa bằng văn bản, gửi tới ông Van Rompuy ngay trong sáng 17/8.

Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng đồng thời nhấn mạnh thêm: “Tại Pháp, nguyên tắc vàng này sẽ được đưa ra ra bỏ phiếu tại Hạ viện và Thượng viện. Thủ tướng François Fillon sẽ có các cuộc tiếp xúc cần thiết với các lực lượng chính trị khác nhau ở Pháp để xem xét liệu có thể đạt được một sự đồng thuận về nguyên tắc vàng này hay không. Nếu đạt được đồng thuận, tôi sẽ triệu tập cuộc họp Quốc hội vào mùa thu tới. Nếu không, dĩ nhiên, cử tri Pháp trong cuộc bầu cử Tổng thống sẽ tự lựa chọn giữa một bên là các lực lượng chính trị cam kết tiến tới cân bằng ngân sách và bên kia là những lực lượng không có mục đích đó”.

Mặt khác, hai nhà lãnh đạo cũng đưa ra đề xuất khôi phục đánh thuế đối với các giao dịch tài chính và thống nhất hài hòa các khoản thuế đánh vào công ty chung giữa hai nước;coi đây là một biện pháp cần thiết để tái cân bằng các thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, cả Pari và Berlin đều loại bỏ khả năng thực hiện thể chế trái phiếu chung (eurobond) vào thời điểm hiện tại. Theo bà Merkel, “eurobond sẽ không giúp ích được gì vào thời điểm này”. Còn ông Sarkozy thì khẳng định: “eurobond, chúng ta có thể nghĩ đến nó vào cuối tiến trình hội nhập châu Âu song không phải vào bước khởi đầu”.

Trong quý II vừa qua, khu vực Eurozone chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,2%, giảm rõ rệt so với dự báo của các nhà kinh tế trước đó.

GDP của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng chỉ tăng 0,1% trong quý II, thấp hơn so với tỷ lệ mong đợi 0,4%.

Còn Pháp, nền kinh tế thứ hai của Eurozone, cũng không mấy khả quan hơn với tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng 0% theo như số liệu vừa được Cơ quan thống kê Pháp (Insee) công bố cuối tuần qua.

Hy vọng rằng, với quyết tâm, lòng tin cũng những giải pháp mạnh tay, châu Âu sẽ có thể vực dậy, tái ổn định nền kinh tế vốn đang chao đảo, tiến tới hoàn thành quá trình hội nhập toàn châu Âu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế thế giới./.