Mali tiếp tục bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống

 Ngày 11/8, gần 6,9 triệu người dân Mail tiếp tục bước vào vòng 2 của cuộc bầu cử nhằm lựa chọn một vị Tổng thống mới giữa hai ứng cử viên Ibrahim Boubacar Keita và Soumaila Cisse với hy vọng sẽ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị – quân sự nghiêm trọng kéo dài suốt 18 tháng qua.

 

Hai ứng cử viên Soumaila Cisse (trái) và Ibrahim Boubacar Cisse (phải) sẽ được lựa chọn để trở thành Tổng thống Mali (Ảnh: leparisien.fr)

Mali đã tiến hành bầu cử Tổng thống vào ngày 28/7 vừa qua. Sự kiện được đánh giá có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định tương lai chính trị của quốc gia Tây Phi này, vốn trở nên bất ổn và rơi vào xung đột kể từ sau một cuộc đảo chính quân sự hồi đầu năm 2012. Theo kết quả bầu cử Tổng thống do Chính phủ Mali công bố ngày 2/8, Thủ tướng Ibrahim Boubakar Keita của Đảng Tập hợp vì Mali giành được 39,24% số phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông là cựu Bộ trưởng Tài chính Cisse chỉ giành được 19,44% phiếu bầu. 

Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử cho thấy không có ứng cử viên nào giành quá 50% số phiếu ủng hộ và sẽ phải tổ chức bầu cử vòng 2, song người dân Mali vẫn hy vọng cuộc bầu cử sẽ đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn bất ổn kéo dài, mang lại an ninh và ổn định cho đất nước. Và ngày 11/8 tiếp tục được xem là một ngày trọng đại đối với những người dân vốn phải trải qua nhiều tháng ngày sống trong khủng hoảng này.

Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa lúc 8 giờ sáng 11/8 (giờ địa phương) tại 21.000 điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước Mali.

Trước thềm bầu cử, một số nhóm vũ trang cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc tấn công, vì vậy công tác đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử được tăng cường. Chính quyền Mali đã huy động khoảng 6.000 nhân viên an ninh. Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali cho biết cũng đang hỗ trợ chính quyền Mali tổ chức bầu cử. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh còn nhận được sự hỗ trợ của quân đội Pháp.

Có hàng trăm quan sát viên quốc gia và quốc tế tiến hành giám sát cuộc bầu cử tại Mali. Riêng Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai thêm 27 quan sát viên để theo dõi vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống tại Mali. Theo bà Maria Espinosa, Phó Phái đoàn quan sát bầu cử của EU, số lượng quan sát viên của EU đã lên tới “hơn 100 người”. Bà cho biết “tất cả các quan sát viên EU sẽ được triển khai trong vòng bầu cử thứ 2 tại các khu vực Kayes, Koulikoro, Mopti, Segou, Sikasso và Bamako” và “sẽ giám sát việc mở và đóng các điểm bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả”.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm nay (11/8), nếu thành công sẽ giúp đưa đất nước Tây Phi này tiến thêm một bước trên con đường nỗ lực phục hồi sau nhiều tháng khủng hoảng.

Nhiệm vụ của người chiến thắng, tuy vậy, sẽ cũng rất khó khăn bởi vì Mali vừa trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Thời kỳ đen tối bắt đầu vào tháng 1/2012 khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự dẫn đến việc các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và lực lượng người Toureg chiếm giữ phần lớn khu vực miền Bắc Mali. Dưới sự hỗ trợ của các lực lượng quân đội Pháp và một số nước Tây Phi, quân đội Mali đã giành lại khu vực này từ tay lực lượng nổi dậy và hiện đang tiếp tục truy quét lực lượng này ở các khu vực vùng núi phía Bắc.

Cuộc khủng hoảng chính trị – quân sự kéo dài đã đẩy hàng ngàn người dân Mali rơi vào cảnh khốn cùng. Theo Văn phòng các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), 174.000 người Mali đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại các nước láng giềng như Burkina Faso, Mauritania và Algeria kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở miền Bắc hồi tháng 1 năm ngoái. Còn ở trong nước, khoảng 200.000 người đã rời các thành phố lớn ở miền Bắc đến thủ đô Bamako và các thành phố ở miền Nam./.