Liên hợp quốc thông qua nghị quyết bảo vệ động vật hoang dã

Ngày 30/7, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên có biện pháp để chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, đồng thời tăng cường luật pháp quốc gia và hợp tác khu vực.

1

Đại hội đồng đặc biệt quan ngại về sự gia tăng liên tục nạn săn trộm tê giác và mức độ đáng báo động về thảm sát voi ở châu Phi, đe dọa các loài có nguy cơ tuyệt chủng.Trong nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đặc biệt quan tâm tới quy mô ngày càng tăng của nạn săn bắt và buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ những loài động vật này, cũng như những hậu quả bất lợi về kinh tế, xã hội và môi trường của các hoạt động đó.

Trước tình hình đáng báo động này, Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi các nước thành viên có biện pháp phòng, chống và diệt trừ nạn buôn lậu các loài động vật và thực vật hoang dã, đặc biệt là tăng cường pháp luật và các biện pháp tư pháp hình sự.

Nghị quyết cũng khuyến khích các nước thành viên Liên hợp quốc và các quốc gia tiêu thụ những sản phẩm có nguồn gốc từ voi và tê giác có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nạn buôn bán, giết hại hai loài vật này; đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ về mặt pháp lý ở cấp quốc gia nhằm truy tố, điều tra những hành vi buôn bán trái pháp luật, coi những hành động này là tội ác nghiêm trọng.

Nghị quyết cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng gia tăng săn bắt tê giác và voi ở châu Phi vốn đang đe dọa sự tuyệt chủng của hai loài vật này không chỉ ở khu vực, mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Phát biểu ngay trước khi thông qua nghị quyết, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Sam Kutesa nhấn mạnh những hậu quả tai hại của nạn buôn bán động vật hoang dã. Theo ông Sam Kutesa, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp không chỉ đe dọa các loài và các hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng địa phương và giảm bớt các địa điểm thu hút khách du lịch.

Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp cũng làm suy yếu những nỗ lực để xóa đói giảm nghèo và đạt được phát triển bền vững. Ngoài ra, các nhóm vũ trang và thậm chí các nhóm khủng bố tham gia vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép cũng đe dọa an ninh của nhiều quốc gia và khu vực.

Theo số liệu không chính thức, hiện ở châu Phi còn khoảng 470.000 cá thể voi sống trong môi trường hoang dã, giảm nhiều so với mức 550.000 con vào năm 2006. Tuy nhiên, mỗi năm có tới hơn 30.000 cá thể voi bị giết hại, đe dọa nghiêm trọng đến sự sinh tồn của loài vật này.

Trong khi đó, số phận của loài tê giác cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Kể từ năm 2007, hàng trăm con tê giác ở Công viên quốc gia Kruger tại Nam Phi đã bị săn bắt trộm để bán sừng cho các nước châu Á. Loài tê giác cũng được cho là đã bị tuyệt chủng tại Mozambique (từ năm 2013) và ở nhiều nước khác./.

ĐCSVN