Kỳ thi quốc gia: Đảm bảo công bằng giữa các cụm thi

Sáng 23/9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên giải trình. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Băn khoăn thi theo cụm

Hầu hết các đại biểu tán thành phương án thi của Bộ GD&ĐT. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn, lo lắng mà các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận làm rõ. Trong đó, vấn đề tổ chức thi theo cụm là vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn nhất.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (UBKT) thắc mắc, nếu tổ chức Kỳ thi Quốc gia duy nhất theo cụm thì sẽ có những loại cụm nào. Đồng thời, ông Hùng cho rằng Bộ phải sớm công bố việc tổ chức theo cụm sẽ như thế nào, tiêu chí nào để tổ chức theo cụm, tiêu chí nào để chọn các trường đại học được chủ trì cụm thi?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo dự kiến, cả nước sẽ có khoảng 20 cụm thi. Mỗi cụm thi sẽ chỉ giới hạn từ 40-50 nghìn thí sinh. Việc thi theo cụm sẽ tổ chức liên tỉnh. Khu vực nào càng đông thí sinh thì số lượng cụm thi càng nhiều.Về tiêu chí chọn cụm thi, Bộ sẽ căn cứ vào năng lực của các trường đại học (cơ sở vật chất, đội ngũ, kinh nghiệm tổ chức thi) để xác định trường đại học nào được chủ trì cụm thi.

Để đảm bảo hiệu quả, tính nghiêm túc của việc tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm, Bộ sẽ tổ chức giám sát, thanh tra rất chặt chẽ, kể cả sau này đã thi đỗ rồi thì công tác giám sát vẫn tiếp tục. Nhiều trường hợp học đại học rồi vẫn bị xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Trước những lo lắng của các ĐB về hiệu quả của cách tổ chức thi theo cụm, liệu có đảm bảo an toàn, thuận tiện và tính nghiêm túc của Kỳ thi Quốc gia hay không, Bộ trưởng Luận cho hay: “Không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra cách tổ chức thi theo cụm mà từ gần 10 năm nay, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi theo cụm ngoài các trường thi. Chúng tôi đã tổ chức thi ở Cần Thơ, Vinh, Quy Nhơn và gần đây nhất là thi ở Hải Phòng. Việc tổ chức đã nhận được sự tin cậy để có cơ sở mở rộng thêm cụm thi”.

Về khả năng đáp ứng chỗ ăn ở đi lại cho thí sinh của các cụm thi, Bộ trưởng Luận cho hay, “Chúng tôi sẽ phải làm việc với các tỉnh, các trường để có phương án bố trí hậu cần phục vụ thí sinh và người nhà ở xa điểm thi. Không chỉ là phương án thôi, chúng tôi đã triển khai ở phạm vi nhỏ tại 4 cụm của năm thi vừa rồi. Để đảm bảo hậu cần phục vụ tốt cho kỳ thi, ngành GD đã phải làm việc với các bên công an, điện nước, giao thông… và đã triển khai 8-9 năm nay. Tất nhiên, tại Kỳ thi Quốc gia tới đây sẽ phải bàn bạc kỹ hơn việc phối hợp các cơ quan, ban, ngành này”.

Ông Luận cũng khẳng định, tất cả đề xuất đều không phải lý thuyết mà đã được triển khai trên thực tế. Vấn đề bây giờ là nhân rộng ra nhiều địa bàn trên phạm vi toàn quốc.

Chất lượng giữa các cụm thi

Đại biểu Phùng Văn Hùng (UBKT) băn khoăn, một số địa phương không có cụm thi do các trường ĐH chủ trì, giao cho Sở phối hợp với Bộ tổ chức, sẽ khó đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các cụm thi. Bởi từ trước nay, các địa phương đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng khi làm chặt ở ĐH, số lượng học sinh đỗ ĐH rất thấp. Thứ hai, học sinh ở các cụm không có trường ĐH chủ trì cũng có nguyện vọng vào ĐH thì liệu có cắt mất cơ hội vào ĐH của các em?

Về thắc mắc này, Bộ trưởng Luận cho hay, với các học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp hoặc đi du học thì sẽ thi ở các cụm thi do địa phương lo. Với mục tiêu tổ chức 1 kỳ thi ngiêm túc chất lượng, Bộ sẽ đảm bảo mặt bằng chất lượng như nhau.

Trước ý kiến cho rằng độ tin cậy của kỳ thi ĐH cao hơn thi tốt nghiệp thì theo Bộ trưởng, quan điểm này là không đúng. Bởi lẽ độ tin cậy của 1 kỳ thi là do cách ra đề thi, cách chấm thi, tổ chức quản lý thi. Kỳ thi ĐH thì có mục tiêu lấy đủ chỉ tiêu nên có phân loại và có đỗ-trượt là đương nhiên.

Còn với kỳ thi tốt nghiệp, định hướng là phải đảm bảo công bằng. Khi giao cho các trường ĐH chủ trì thi ở các cụm thi trường, địa phương thì một mặt, Bộ yêu cầu Sở chấn chỉnh những tiêu cực (nếu có) từ kỳ thi trước. Thứ hai là Bộ sẽ trực tiếp thanh kiểm tra, kể cả cử các trường ĐH, CĐ cùng tham gia vào việc tổ chức thi để cố gắng có một kết quả tin cậy, tránh lo lắng cho người dân.“Tinh thần là phải thay đổi, thầy và trò đều phải đổi mới chứ không chấp nhận có gian dối trong thi cử”.

Bộ trưởng Luận cũng khẳng định, cơ hội vào ĐH đối với các cháu chỉ thi ở cụm địa phương sẽ không đóng lại bởi có trường ĐH sẽ chỉ xét tuyển kết quả học bạ THPT lớp 12. Nếu có trường ĐH sử dụng kết quả thi ở cụm địa phương thì Bộ cũng không cấm. “Trường nào dùng kết quả kỳ thi ở cụm đia phương chúng tôi sẽ công bố công khai, không ngăn cấm. Tuy nhiên, lựa chọn tiêu chuẩn đầu vào cao hay thấp sẽ thể hiện đẳng cấp cũng như chất lượng nguồn vào của chính các trường. Do đó, cha mẹ học sinh cần tỉnh táo và cân nhắc kỹ càng trước khi chọn trường cho con em”.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cũng cho rằng, việc phân chia hai cụm thi sẽ không công bằng: “Hai mặt bằng điểm khác nhau nhưng cùng kết quả để xét mục tiêu. Đây là các bất cập mà Bộ cần nghiên cứu một cách tối đa nhất”.

Theo GS Đào Trọng Thi, nếu vì muốn tạo điều kiện cho HS miền núi mới nghĩ ra cụm địa phương thì tại sao không áp dụng riêng cho miền núi thôi, còn các tỉnh khác thì tổ chức thi theo cụm thi như bình thường, tính đến phương án thi luôn tại địa phương thay vì tổ chức thi theo cụm địa phương.

Kết luận buổi giải trình, GS Thi nhận xét, đề thi chưa chắc là yếu tố chính để đảm bảo điểm cao thấp mà chính là khâu coi thi, chấm thi. Vì thế, phải rất tính toán đến việc điểm thi có thể có khả năng thấp. Làm sao để xét điểm tốt nghiệp phải đạt mức trung bình. Hai cụm thi coi thi theo tiêu chí khác nhau thì sẽ tạo mặt bằng điểm khác nhau. Đặc biệt, các trường thiếu HS lại càng chọn mặt bằng thấp để lấy bằng được đầu vào.

Đồng thời, cần đề phòng hiện tượng “lách”, HS sẽ dồn vào cụm thi địa phương để lấy điểm cao rồi lấy kết quả này đăng ký vào các trường. Do đó, theo GS Thi, muốn khắc phục điều này, cần bỏ cụm thi theo địa phương, trừ những tỉnh đặc biệt miền núi, vùng sâu, xa.

Nguồn Chính phủ