Kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm -Xoài Mút.

(THTG) Đêm 19/1, tại Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ VN tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 230 năm Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Rạch Gầm – Xoài Mút là di tích quốc gia đặc biệt.

3

 Đến dự có đồng chí Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ Chính trị – Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Mỹ Hoa – Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch Nước. Đồng chí Lê Kim Toàn – Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, đồng chí Trần Thế Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Danh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Khang – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Trong không khí trang trọng của buổi lễ, Đoàn cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định và các tỉnh bạn, đoàn lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng huyện Châu Thành đã dâng hoa và dâng hương tại tượng đài Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

Cách đây tròn 230 năm, tại đoạn sông Tiền từ vàm Rạch Gầm đến vàm rạch Xoài Mút, Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nghĩa quân và nhân dân địa phương làm nên chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, đó là vào đêm 19, rạng sáng ngày 20 tháng 1 năm 1785. Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đã lãnh đạo tiêu diệt gần 5 vạn quân Xiêm và hơn 300 chiến thuyền, kết thúc sự xâm lược của quân Xiêm đối với nước ta. Phát huy tinh thần chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, nhân dân tỉnh Mỹ Tho và Gò Công lúc bấy giờ đã vùng lên ghi tiếp những chiến công vang dội.

Năm 1993, di tích Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Ngày 31/12/2014, Thủ thướng Chính phủ đã có quyết định số 2048 về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Rạch Gầm – Xoài Mút là di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.

230 năm đã đi qua nhưng ý nghĩa và tinh thần của Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút đã trở thành bất diệt và sống mãi trong lòng của dân tộc. Với niềm tự hào vô hạn, tuổi trẻ hôm nay phát huy cao độ tinh thần xung kích, tình nguyện, tiếp bước truyền thống anh hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Để hiểu rõ hơn về Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, tại buổi lễ kỷ niệm 230 năm đầy trang trọng này, đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang đã trình diễn trích đoạn vở cải lương “Huyền sử Rạch Gầm”. Với sự tái hiện lại bối cảnh thời bấy giờ, sự mưu lược, lòng quả cảm của danh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và nghĩa quân càng làm dâng trào thêm niềm tự hào của nhân dân về chiến thắng vang dội của dân tộc trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Thanh Đào