Kinh tế Mỹ đầu năm có tin vui

Ngày 3-1, trang tin Market Watch đã đưa ra những dự báo lạc quan về nền kinh tế đứng vị trí hàng đầu thế giới.

Điểm sáng trong kinh tế toàn cầu

Theo Market Watch, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ ở mức 3% sau khi lấy lại đà tăng trưởng vào năm ngoái. Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP quý 3-2014 của Mỹ tăng 5% so với quý 3-2013, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 3,9% đưa ra trong báo cáo tháng 10-2014 và cao hơn cả mức dự kiến 4,2% của các chuyên gia. Đây là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ 11 năm trở lại đây (từ năm 2003).

Kinh tế tăng trưởng nhanh làm cho mức thâm hụt ngân sách liên bang trong năm tài khóa 2014 giảm mạnh, chỉ ở mức 483,3 tỷ USD so với đỉnh điểm 1.420 tỷ USD của năm 2009. Người tiêu dùng Mỹ đã mạnh tay chi cho việc mua sắm vào cuối năm ngoái sau khi họ tiết kiệm được khoản phí chi cho xăng dầu và khí đốt lên tới 14 tỷ USD.

Người dân tại Mỹ tranh thủ mua sắm đón năm mới.

Năm 2014, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn ở mức 5% nhưng đã có thêm 3 triệu việc làm cho người lao động. Dự kiến, trong năm 2015, số việc làm mới sẽ tiếp tục tăng. Theo ông Jusman Syafii Djamal, Chủ tịch Quỹ Matsuhita Gobel, nền kinh tế Mỹ sẽ là động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015. Ngoài ra, giá dầu suy giảm đồng nghĩa với lạm phát sẽ thấp hơn, tạo điều kiện để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng.

Cũng theo Market Watch, tăng trưởng chậm trên toàn thế giới sẽ không mấy tác động đến kinh tế Mỹ năm 2015. Xuất khẩu của Mỹ có thể giảm nhưng lại được bù đắp từ việc giảm nhập khẩu do phí xăng dầu hạ. Đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh mẽ.

Lo ngại

Theo Forbes, bức tranh kinh tế Mỹ trong năm 2015 tuy mang lại nhiều cơ hội những cũng lắm thách thức. Vấn đề của nước Mỹ ở thời điểm hiện tại không chỉ là hồi phục lại nền kinh tế, mà còn là phục hồi lại công thức tăng trưởng bền vững trước đây. Thị trường chứng khoán tăng mạnh là biểu hiện của một nền kinh tế hồi phục, nhưng khi tăng quá nhanh thì cần phải dè chừng. FED được cho là đang chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ để đưa nền kinh tế về trạng thái ổn định. Động thái tăng lãi suất này được xem là sẽ kìm hãm cơn phấn khích đang gia tăng trên thị trường chứng khoán.

Giới phân tích cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng quay trở lại trạng thái ổn định hơn khi FED tăng lãi suất, các doanh nghiệp và người dân sẽ khó vay tiền hơn, thị trường chứng khoán nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng thực của nó.

Một thách thức nữa mà kinh tế Mỹ phải đối mặt là hiện vẫn chưa rõ kết quả những trận chiến giữa Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát và Chính phủ Mỹ do ông Obama đứng đầu trong năm 2015. Hai bên đang đối đầu ở một loạt chính sách liên quan đến ngân sách tài khóa năm 2016 (bắt đầu từ tháng 10-2015), chính sách nhập cư, y tế và giáo dục…

Theo kết quả thăm dò của Viện Gallup, trong năm 2014, mối bận tâm lớn nhất của người dân Mỹ là về năng lực điều hành của chính quyền Tổng thống Barack Obama, những tranh cãi chính trị giữa chính phủ và quốc hội, với 18% số người tham gia khảo sát bày tỏ quan điểm này. Tiếp đến là mối quan ngại về tình hình phát triển kinh tế (17%), tỷ lệ thất nghiệp (15%) và hệ thống chăm sóc sức khỏe (10%). Năm 2014 là năm đầu tiên trong 7 năm qua người dân Mỹ không coi tình hình kinh tế là thách thức hàng đầu. Đây cũng là năm đầu tiên tỷ lệ người dân Mỹ bất mãn với chính phủ tăng mạnh kể từ khi Viện Gallup bắt đầu thực hiện các cuộc thăm dò dư luận từ năm 2007.

Nguồn sggp.org.vn