Khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đavốt, Thuỵ sĩ

Với chủ đề “Năng động mạnh mẽ”, hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã khai mạc chiều 23/1 tại thành phố Đavốt (Davos) của Thụy Sĩ. Tham dự có khoảng 2.500 đại biểu đến từ hơn 100 nước, trong đó có gần 50 nguyên thủ quốc gia và hơn 1.600 lãnh đạo các tập đoàn lớn cùng đại diện các tổ chức quốc tế.

Trong bài phát biểu khai mạc, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF Clauxơ Soáp (Klaus Schwab) cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự diễn đàn năm nay cần phải có một tầm nhìn xa hơn, không chỉ giới hạn ở việc giải quyết khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện nay mà phải năng động nhiều hơn nữa. Ông nói: “Tôi trông đợi ở các nhà lãnh đạo sự năng động hơn, lạc quan và kiên cường hơn để thật sự hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra”.

Chủ tịch Ban giám đốc Ngân hàng UBS Thụy Sĩ Axel A. Weber (phải)
 tại phiên họp ngày 23/1.(Ảnh: AFP/ TTXVN)
 

Khoảng 250 cuộc họp và hội thảo sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội nghị của WEF từ ngày 23-27/1. Các đại biểu sẽ thảo luận về nhiều vấn đề như cách thức đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại tăng trưởng mạnh mẽ, về những mô hình kinh doanh có thể thích nghi với những thay đổi về cơ cấu và mang tính thế hệ. Theo các nhà tổ chức, diễn đàn năm nay có chủ đề “Năng động mạnh mẽ” là nhằm phản ánh nhu cầu phải cải thiện cơ cấu của nền kinh tế toàn cầu để đối phó với những tình huống khẩn cấp như cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong số các nguyên thủ quốc gia sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn lần này có Thủ tướng Nga Đmitri Métvêđép (Dmitry Medveded), Thủ tướng Anh Đavít Camêrôn (David Cameron), Thủ tướng Đức Angiêla Mécken (Angela Merkel) và Thủ tướng Italia Mariô Mônti (Mario Monti).

Phóng viên TTXVN tại LB Nga dẫn tuyên bố ngày 23/1 của Phó Thủ tướng Nga, ông Áccađi Đvôrơcôvích (Arkadyi Dvorkovich) cho biết tại Diễn đàn kinh tế Đavốt, Thủ tướng Métvêđép sẽ trình bày báo cáo tại phiên họp toàn thể đầu tiên về Kế hoạch Phát triển đất nước của Chính phủ Nga trong những thập kỷ tới, với chủ đề “Các kịch bản cho Liên bang Nga”. Trên cơ sở tính đến sự thay đổi của thị trường dầu mỏ toàn cầu, trình tự cải cách thể chế ở Nga, quá trình liên kết và phân hóa của các khu vực bên trong nước Nga, Kế hoạch Phát triển nước Nga trong những thập kỷ tới đề ra ba kịch bản: gồm giá dầu mỏ giảm sút ảnh hưởng đến các chương trình đã được thông qua, giá dầu mỏ tăng nhưng Nga không tiến hành cải cách thể chế, xu hướng phân hóa khu vực tăng lên.

Phó Thủ tướng Đvôrơcôvích cho rằng kế hoạch này là một thách thức đáng kể đối với Chính phủ Nga, nhưng sẽ mở ra cơ hội cho những điều chỉnh phù hợp và phát triển đi lên. Kế hoạch cũng đề cập vai trò của nước Nga trong nền kinh tế thế giới, những phương hướng hoạt động ưu tiên của LB Nga trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nước phát triển và có nền kinh tế mới nổi (G-20) và những phương hướng hoạt động chủ yếu của Chính phủ Nga. Tại Đavốt, Thủ tướng Métvêđép cũng sẽ giới thiệu một loạt dự án đầu tư lớn của Nga như thành lập hệ thống viễn thông thống nhất, xây dựng cơ sở hạ tầng tại miền Nam và Viễn Đông,…

Trong khi Diễn đàn Kinh tế Đavốt năm 2012 bị bao trùm bởi cuộc khủng hoảng châu Âu và nỗi lo Hy Lạp có thể phải rời khỏi Eurozone, thì diễn đàn năm nay được đánh dấu bởi tinh thần lạc quan một cách thận trọng, cho rằng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua. Theo kết quả cuộc khảo sát đối với 1.330 tổng giám đốc điều hành (CEO) được Công ty dịch vụ tài chính PricewaterhouseCoopers công bố trước ngày khai mạc WEF, các CEO lạc quan hơn về hoạt động của nền kinh tế toàn cầu. Có 52% trong số các CEO được hỏi ý kiến đánh giá nền kinh tế toàn cầu vẫn ổn định, trong khi chỉ có 28% cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái mạnh hơn vào năm 2013 (so với 48% của năm 2012). Tuy nhiên, chỉ 36% thực sự tin tưởng ở triển vọng phát triển của công ty trong năm 2013, giảm so với 40% của năm 2012 và 48% của năm 2011./.