Hy Lạp đóng cửa ngân hàng, “chuẩn bị” ra khỏi Eurozone?

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 28/06 đã tuyên bố đóng cửa các ngân hàng và kiểm soát chặt chẽ các dòng vốn.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, ông Tsipras nhấn mạnh, quyết định của ông dựa trên khuyến cáo của Ngân hàng trung ương Hy Lạp. Song ông không cho biết rõ là các ngân hàng tại Hy Lạp sẽ đóng cửa trong thời gian bao lâu.

Hy Lap dong cua ngan hang chuan bi ra khoi Eurozone hinh anh
Hy Lạp đóng cửa ngân hàng, người dânchỉ được rút chưa đầy 100 euro/ mỗi ngày (ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo nguồn tin ngân hàng, việc đóng cửa các ngân hàng sẽ kéo dài trong thời gian một tuần và các khách hàng sẽ chỉ được rút chưa đầy 100 euro/ mỗi ngày.

Động thái của Hy Lạp đưa ra trong bối cảnh chỉ hai ngày qua, người dân Hy Lạp đã “vội vàng” chạy đến các cây rút tiền tự động để rút tiền mặt sau tuyên bố của ông Tsipras về việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về đề xuất của các chủ nợ “thực hiện cải cách để đổi lấy tiền” dành cho nước này vào ngày 5/7 tới.

Vốn chủ trương chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, có không ít người dân Hy Lạp bày tỏ ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân lần này. Một người dân Hy Lạp nói: “Ông Tsipras kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân hơi muộn. Lẽ ra nó phải được tiến hành sớm hơn. Chúng tôi bình đẳng như các đối tác khác. Do vậy các đối tác cần tôn trọng quyết định của người dân Hy Lạp.”

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến lại cho rằng, động thái trên của nhà chức trách Hy Lạp sẽ khiến nền kinh tế Hy Lạp đứng trước những thách thức lớn. Trong một kịch bản xấu nhất, Hy Lạp sẽ buộc phải rời khỏi khu vực đồng euro:“Tôi không muốn rời khỏi khu vực đồng euro vì nếu chúng tôi nói không với cải cách, có nghĩa là chúng tôi sẽ phải sử dụng một đồng tiền khác. Theo tôi, đây là một sai lầm. Chính phủ có một thẩm quyền đặc biệt là đàm phán song giờ họ lại đẩy trách nhiệm đó cho người dân chúng tôi”.

“Chúng tôi đang hướng đến thảm họa. Chúng tôi bầu cho ông Tsipras là vì chúng tôi tin tưởng ông ấy. Chẳng ai bảo với ông ấy là Hy Lạp muốn rời khỏi châu Âu cả. Tại sao ông ấy không làm những điều đã cam kết.”

Ngay khi Hy Lạp tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề nợ, các thể chế quốc tế đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Hy Lạp, cho rằng điều này có thể làm gia tăng khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực sử dụng đồng tiên chung châu Âu.

Tuy nhiên, có không ít người dân Hy Lạp lại không đồng tình với quan điểm trên:

“Theo tôi cuộc trưng cầu ý dân lần này là cần thiết, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tới các nước châu Âu khác là người Hy Lạp không phải là nô lệ. Tôi hy vọng là sẽ có nhiều người nói không với cải cách. ”

“Đây là một thời điểm lịch sử và cũng là cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 của chúng tôi trong vòng 40 năm qua. Tôi nghĩ đây là cơ hội để người dân Hy Lạp tìm lại sức mạnh và vị thế của mình”.

Với quyết định của Quốc hội Hy Lạp, vào ngày 5/7 tới,  tức khoảng 1 tuần nữa, Hy Lạp sẽ tiến hành cuộc trưng cầu ý dân có ý nghĩa quan trọng với cả Hy Lạp và bản thân các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu.

Hiện còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận chính xác nào về ảnh hưởng của việc Hy Lạp rời khỏi đồng euro cũng như những hệ luỵ xảy ra khi Hy Lạp sử dụng trở lại đồng tiền riêng của nước này và ra khỏi cộng đồng chung châu Âu.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là nếu Hy Lạp phải rời khỏi đồng euro sẽ gây ra một cơn chấn động lớn cả về kinh tế và địa chính trị./.

Hồng Nhung/vov.vn