Hội nghị quốc tế về phương pháp điều trị thử nghiệm chống Ebola

Khoảng 200 chuyên gia đang nhóm họp tại Geneva (Thụy Sỹ) trong hai ngày 4 – 5/9 để bàn về các phương pháp điều trị thử nghiệm hiện có chống lại virus Ebola vốn không ngừng lây lan tại Tây Phi và ảnh hưởng tới hơn 20.000 người như số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các phương pháp điều trị thử nghiệm đang được thảo luận và phân tích tại hội nghị các chuyên gia do WHO triệu tập. (Ảnh: Francetv)

 

Hội nghị lần này được tổ chức sau hội nghị hồi tháng 8 vừa qua của Tổ chức Y tế Thế giới. Theo WHO, các chuyên gia hiện đang họp kín tại một khách sạn gần sân bay của Geneva, theo đó sẽ tiến hành phân tích “các khả năng sản xuất và sử dụng những phương pháp điều trị” thử nghiệm này.

Tham gia hội nghị lần này là “những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực can thiệp chống lại virus Ebola cũng như những người làm việc để ngăn chặn dịch bệnh này, trong đó có các nhà hoạch định chính sách từ các nước bị ảnh hưởng, các chuyên gia về đạo đức, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu, những người tham gia phát triển các quy định và đại diện các bệnh nhân” – WHO cho biết.

Hội nghị nhằm mục đích “thông tin cho các cơ quan quản lý quốc gia về tình hình các sản phẩm có khả năng được sử dụng và tạo điều kiện để các quốc gia bị ảnh hưởng và các nhà sản xuất có dịp tiếp xúc trao đổi”.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ tiến hành bàn thảo về một số vấn đề nổi cộm đang được dư luận quốc tế quan tâm như: Các tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả của thuốc, các hạn chế cần được áp dụng trong quá trình sử dụng thuốc và phương pháp thu thập dữ liệu phục vụ quá trình phân tích… Ngoài ra, các chuyên gia cũng vạch ra một số ưu tiên đối với các loại thuốc thử nghiệm và quyết định xem nên đưa loại thuốc này tới nơi nào trước tiên.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ tiến hành chọn ra 20 loại thuốc có khả năng được sử dụng để ngăn chặn dịch Ebola và thảo luận về các nguồn lực tài chính được huy động để sản xuất loại thuốc này trong dài hạn.

Dự kiến sau buổi làm việc chiều 5/9, WHO sẽ tổ chức một cuộc họp báo công bố các kết quả của hội nghị lần này.

Trước đó, ngày 3/9, Liên minh châu Phi (AU) cũng thông báo sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 8/9 tới để soạn thảo một chiến lược đối phó với dịch Ebola trên quy mô toàn châu lục. Trong một tuyên bố, AU cho biết cuộc họp nhằm xây dựng vốn hiểu biết chung về căn bệnh Ebola và cân nhắc việc một số quốc gia thành viên đình chỉ hoạt động hàng không và đóng cửa biên giới trên cả đất liền lẫn trên biển với các nước có dịch. Cuộc họp sẽ diễn ra tại trụ sở AU tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Theo WHO, “sự bùng nổ hiện nay của virus Ebola ở Tây Phi là chưa từng có về quy mô và mức độ phức tạp và gánh nặng mà dịch bệnh này đặt lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe”.

Trong tuyên bố mới nhất được đưa ra ngày 3/9, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan thông báo hơn 1.900 trường hợp tử vong trong tổng số 3.500 trường hợp nhiễm bệnh. Con số này gia tăng rất nhanh so với số liệu WHO công bố hồi tuần trước với 1.552 ca tử vong trong 3.069 ca nhiễm bệnh.

Bà Margaret Chan cho rằng WHO sẽ phải mất 3 tháng để có thể đảo ngược xu hướng của dịch Ebola tại những nước đang chứng kiến “sự lây lan rất dữ dội” là Liberia, Guinea và Sierra Leone; 8 tuần đối với các nước như Senegal và CHDC Congo – nơi tình trạng lây nhiễm được khoanh vùng. Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO hy vọng rằng với phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế, cụ thể là các khoản viện trợ và đội ngũ chuyên gia đang được gửi tới Tây Phi, đợt bùng phát hiện nay có thể được dập tắt trong vòng 6 – 9 tháng tới./.

Nguồn ĐCSVN