Hội nghị quốc tế lần 2 về Afghanistan – Tìm kiếm cam kết lâu dài

       Hôm nay 5-12, sau 10 năm diễn ra hội nghị đầu tiên, tương lai của Afghanistan lại được đặt lên bàn nghị sự tại Bonn, Đức với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu. Thứ trưởng Ngoại giao Afghanistan Jawed Ludin nói: “Hội nghị Bonn không phải là nơi để yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho Afghanistan. Những gì chúng tôi cần là một cam kết chắc chắn về chính trị từ NATO để giúp chúng tôi đứng vững trên đôi chân của chính mình”.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây dự kiến sẽ rút hết quân khỏi Afghanistan vào năm 2014. Vì vậy, để Afghanistan tự lực cánh sinh, các vấn đề như tăng cường hỗ trợ tái thiết, hỗ trợ về dân sự, huấn luyện và tài chính cho các lực lượng an ninh khoảng 350.000 người của Afghanistan, đầu tư hướng đến phát triển kinh tế lâu dài… sẽ phải đưa ra bàn thảo trong hội nghị lần này.

  • Trở ngại thách thức sự ổn định

Đây cũng là cơ hội để phương Tây khôi phục những cam kết của mình trong việc ổn định quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, những vấn đề mấu chốt dẫn đến sự ổn định tại Afghanistan đang gặp ít nhiều khó khăn. Hiệp ước đối tác chiến lược giữa Washington và Kabul - được cho là sẽ tạo nền tảng cho hội nghị tại Bonn - vẫn chưa được ký kết kịp thời và có thể phải mất nhiều tháng nữa mới đạt được. Pakistan, quốc gia láng giềng đóng vai trò quan trọng nhất trong nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ở Afghanistan, tẩy chay hội nghị này.

Người dân Bonn (Đức) biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan ngày 3-12.

Shamila Chaudhary, nguyên Giám đốc phụ trách nghiên cứu về vấn đề Afghanistan và Pakistan của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhận định đó là dấu hiệu cho thấy sự bất mãn đối với chủ trương ổn định Afghanistan do Mỹ khởi xướng.

Người ta cũng không còn hy vọng về sự xuất hiện của các đại diện Taliban tại hội nghị cũng như có bước đột phá quan trọng trong các nỗ lực hòa giải. Đám mây đen sẽ che phủ toàn bộ cuộc họp này chính là hậu quả của một thập kỷ chiến tranh với hàng ngàn người thiệt mạng và hàng tỷ USD được chi ra mà Afghanistan vẫn bất ổn.

Kamran Bokhari, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề Nam Á thuộc Trung tâm phân tích rủi ro chính trị STRATFOR, nói: “Rõ ràng, có một sự tương phản mạnh mẽ giữa hội nghị Bonn lần này và hội nghị Bonn năm 2001. Tại hội nghị năm 2001, mọi người đều bày tỏ hy vọng và hăng hái muốn loại bỏ Taliban, tiến hành tái thiết Afghanistan. Còn lần này, Pakistan không tham dự hội nghị, điều đó đã tạo ra một trở ngại lớn”.

  • Mỹ vẫn giữ vai trò quyết định

Các nhà ngoại giao cũng thừa nhận rằng nếu không có hy vọng về một thỏa thuận giữa Afghanistan với Mỹ - quốc gia sẽ phải chi trả phần lớn số tiền dành cho các lực lượng an ninh của Afghanistan và thậm chí số tiền sẽ còn lớn hơn nữa trong những năm tới - hội nghị này sẽ thiếu động lực. Afghanistan sẽ vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới, sau năm 2014, ngân sách hàng năm của Afghanistan sẽ thiếu khoảng 7 tỷ USD. Quân đội của nước này chắc chắn sẽ không thể chiến đấu nếu không có tiền trợ giúp từ nước ngoài. Tuy nhiên, do phải đối mặt với sức ép cắt giảm ngân sách nên các nghị sĩ Mỹ đang cân nhắc số tiền họ sẽ bỏ ra, đặc biệt trong bối cảnh dư luận luôn lo ngại về chính phủ có dấu hiệu tham nhũng của ông Hamid Karzai.

Nhưng nếu để Afghanistan rơi vào một cuộc nội chiến thì một lần nữa nước này sẽ có nguy cơ trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ muốn nhằm vào nước Mỹ. Ông John Kerry, Thượng nghĩ sĩ đảng Dân chủ của Mỹ, nhận định: “Nếu chúng ta làm đúng thì việc rút quân sẽ tạo động lực cho Afghanistan và các nước láng giềng phải đàm phán nghiêm túc với nhau về tương lai của họ. Nếu chúng ta làm sai, một cuộc chiến tranh khác sẽ nổ ra”.