Đồng USD tăng giá, các nước phản ứng thế nào?

Trước việc USD tăng giá, ngân hàng trung ương của nhiều nước có các tâm trạng khác nhau, một số thở phào nhẹ nhõm, trong khi một số phải ra tay can thiệp mạnh mẽ.
Ảnh minh họa

Sau khi vật lộn làm đồng nội tệ yếu đi để hỗ trợ cho xuất khẩu và kích thích lạm phát, ngân hàng trung ương một số nền kinh tế phát triển khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản và Australia, cảm thấy nhẹ nhõm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang làm giúp công việc này. Bởi từ khi bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc với kết quả đầy bất ngờ, cùng kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp sắp diễn ra (13-14/12), đồng USD đã không ngừng tăng giá, khiến đồng tiền của các nền kinh tế châu Á suy yếu.

Ngân hàng Trung ương New Zealand trong thời gian qua luôn phải thận trọng trong kiểm soát sức mạnh của đồng nội tệ, bởi việc này có thể gia tăng thêm áp lực giảm phát. Đầu tháng này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương New Zealand John McDermott cho biết, ông lo ngại sẽ phải hạ thêm lãi suất nếu cần thiết khi đồng nội tệ tăng giá. Hiện tại, mối lo ngại này đã phần nào giảm bớt.

Dù đồng tiền Australia (AUD) đã giảm giá 25% so với USD trong 3 năm qua, việc AUD tăng giá gần đây vẫn khiến Ngân hàng Trung ương Australia “bực mình”. Bởi quốc gia này đang muốn nền kinh tế bớt phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, chuyển sang xuất khẩu dịch vụ, điều mà đồng tiền yếu sẽ hỗ trợ tích cực.

Hàn Quốc và Thái Lan cũng là các quốc gia thở phào nhẹ nhõm khi đồng USD tăng giá bởi đồng nội tệ yếu đi giúp hàng hóa từ 2 quốc gia này có lợi thế hơn trên thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh đã khiến nhiều ngân hàng trung ương phải can thiệp thị trường nhằm tránh đồng nội tệ của mình giảm quá sâu.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Indonesia đã liên tục can thiệp vào tỷ giá bằng cách bán USD và mua trái phiếu chính phủ nhằm kìm hãm đà giảm của đồng rupiah.

Malaysia cũng hạn chế khối lượng giao dịch trên thị trường tương lai nhằm giảm thiểu hiện tượng đầu cơ đồng ringgit. Ngân hàng trung ương nước này thông báo đã can thiệp vào thị trường để bảo vệ đồng ringgit sau khi đồng nội tệ giảm giá hơn 4% so với USD.

Tại Trung Quốc, ngân hàng trung ương nước này đã tung ra các biện pháp can thiệp, hạ nhẹ tỷ giá và sử dụng các ngân hàng quốc doanh để ngăn đồng nhân dân tệ giảm giá quá sâu.

Tại Nhật, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố sẽ sẵn sàng mua vào một lượng trái phiếu chính phủ Nhật với khối lượng không hạn chế ở mức lợi suất cố định -0,04% đối với kì hạn 5 năm và -0,09% đối với kì hạn 2 năm.

Động thái này của BOJ được cho là nhằm ngăn xu hướng tăng lợi suất của trái phiếu ngân hàng trung ương đang diễn ra tại Nhật và nhiều quốc gia khác, đặc biệt tại Mỹ trước những kỳ vọng tích cực về lạm phát và tăng trưởng của đầu tàu kinh tế toàn cầu.

Điều này cũng cho thấy cam kết mạnh mẽ của BOJ trong việc giữ vững lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật ở quanh mức 0%.

Loạt can thiệp trên diễn ra sau khi hầu hết các đồng tiền tại châu Á đều giảm giá mạnh so với USD, như ringgit Malaysia và rupiad của Indonesia đã giảm tới 6,22% và 4,09% tương ứng chỉ trong tháng 11.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục giảm giá và đã lập đáy trong vòng 6 năm, giảm 2,22% so với USD trong tháng 11. So với đầu năm, nhân dân tệ đã mất giá 6,6%.

Nguồn Chính phủ