Dịch sốt xuất huyết lan rộng ở các địa phương phía Nam

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện số người bị sốt xuất huyết tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các địa phương phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh… là khu vực có số mắc sốt xuất huyết tăng khá cao.

 Số trẻ em mắc sốt xuất huyết ở các tỉnh, thành phố phía Nam tăng đột biến
(Nguồn: Báo Bình Dương)

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế các địa phương khu vực phía Nam đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này. Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân chưa hiểu đúng về sự phát triển và truyền bệnh của muỗi vằn nên chưa tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn để các vật dụng chứa nước không thau rửa, các phế thải quanh nhà không được thu gom xử lý nên là ổ chứa bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Một số hộ gia đình chưa hợp tác, chưa tạo điều kiện cho phun hóa chất diệt muỗi hoặc chỉ cho phun ở tầng 1, không cho phun ở các tầng trên nên không diệt được hết đàn muỗi mang mầm bệnh.

Hiện nay, đang là mùa mưa. Việc mưa liên tục tại khu vực Nam bộ thời gian qua đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Ngành Y tế cảnh báo, sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới, nếu người dân không chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã vừa ban hành Chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành Y tế quyết liệt triển khai phòng chống sốt xuất huyết từ nay đến cuối năm nhằm giảm số người mắc, người chết, giảm ổ dịch, khống chế không để xảy ra dịch lớn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Các bệnh viện phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng tiếp nhận, thu dung, điều trị bệnh nhân khi dịch bùng phát mạnh.

Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu phải giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng; xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ trong vòng 48 giờ. Vào đầu tháng 8 tới nay, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã thường xuyên tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng, diệt muỗi, tuyên truyền kiến thức về phòng chống muỗi sốt xuất huyết cho cộng đồng tại tất cả các phường, xã.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, tổng số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận từ các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố đã lên tới trên 6 nghìn trường hợp, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014. Dự báo, bệnh đang có chiều hướng tiếp tục tăng nhanh trong tháng 8 và tháng 9. Sốt xuất huyết hiện đã ghi nhận ở tất cả các quận huyện, trong đó, điểm nóng của dịch tập trung tại các Quận: 8, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp.

Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 700 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có gần chục trường hợp sốt xuất huyết nặng, không có ca tử vong. Địa bàn tập trung nhiều ca sốt xuất huyết nhất là tại thành phố Vũng Tàu, các huyện: Tân Thành và Xuyên Mộc. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng nhanh, nhất là vào thời điểm những tháng mưa nhiều. Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời giám sát chặt chẽ các ca bệnh, tổ chức các đợt diệt loăng quăng, xử lý ổ dịch; nhận định tình hình các xã, phường có nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết để có các biện pháp phòng bệnh phù hợp.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp ở Bình Dương, thậm chí đã có ca tử vong do sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã có công văn đề nghị các đơn vị trực thuộc, Bệnh viện Đa khoa cao su Dầu Tiếng, Bệnh viện Quân đoàn 4 và các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Tại nơi có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Dương đã triển khai các biện pháp xử lý dịch tại nơi ở của các nạn nhân.

Cũng như các địa phương ở khu vực Đông Nam bộ, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc. Trong đó, 4 huyện, thành phố có số trường hợp ca sốt xuất huyết tăng là: Gò Dầu, Trảng Bàng, Dương Minh Châu và thành phố Tây Ninh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Tây Ninh cho biết, dù công tác phòng chống dịch bệnh rất được tỉnh và các cấp, ban ngành quan tâm, song trước những khó khăn khách quan, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Tây Ninh có nhiều cửa khẩu biên giới, đường mòn biên giới nên vấn đề kiểm soát các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập qua biên giới rất lớn. Cơ sở vật chất cho hệ dự phòng và điều trị còn thiếu và xuống cấp, khó đáp ứng trong tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh đến huyện còn chưa thường xuyên liên tục. Đặc biệt là cán bộ phụ trách về phòng chống dịch bệnh không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn, nhất là bác sĩ hệ dự phòng.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo ông Cao Trọng Ngưỡng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại hầu hết các địa bàn trong tỉnh, mỗi ngày ghi nhận khoảng 200 ca, ước tính có khoảng 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó thành phố Biên Hòa chiếm 1/2 trong số người mắc khoảng 1.500 ca. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai đã sẵn sàng các biện pháp giám sát dịch kịp thời và chủ động tổ chức giám sát dịch bệnh ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Ngành đã tổ chức 2 đợt với 4 vòng phun hóa chất và 2 vòng chiến dịch diệt loăng quăng.

Theo ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trước đây, sốt xuất huyết thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần. Nhưng đến nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại, nên ngành Y tế dự phòng lúc nào cũng sẵn sàng để chủ động phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh. Do thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tại các tỉnh miền Nam nên nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ tăng cao hơn. Nếu người dân cùng phối hợp với lực lượng công tác y tế dự phòng, có ý thức vệ sinh môi trường thì sẽ không đáng ngại về dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cũng theo ông Đặng Quang Tấn, một điều cần chú ý là mọi người hay nhầm tưởng chỉ những nơi cống rãnh, mất vệ sinh, ao tù là địa điểm sinh sôi, cư trú của muỗi vằn. Nhưng muỗi vằn cư trú ở những nơi nước trong để lâu ngày ngay trong chính ngôi nhà chúng ta ở như: Bể nước cá cảnh, bình cắm lọ hoa lưu nước, hòn non bộ, nước để trên bàn thờ, nước mưa đọng tại những mảnh vỡ trên xóm ngõ hoặc sân thượng… Chính vì vậy, người dân cần chú ý thay nước, rửa dọn đồ vật trong nhà, không để nước lưu cữu sẽ là môi trường cho bọ gậy phát triển, sinh nở thành muỗi vằn./.

ĐCSVN