Đại hội các đảng bộ tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Hậu Giang, Bình Định, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Cao Bằng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự, chỉ đạo Đại hội

* Đại hội các đảng bộ: Khối các cơ quan Trung ương, Khối doanh nghiệp Trung ương, Điện Biên, Bình Thuận, Lai Châu kết thúc thành công

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN)

Sáng 15-10, Ðảng bộ TP Đà Nẵng chính thức khai mạc Ðại hội đại biểu lần thứ 21, với sự tham dự của 350 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 50 nghìn đảng viên trong Đảng bộ. Ðồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự và chỉ đạo. Dự Đại hội, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trình bày Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội với chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đồng thuận, huy động mọi nguồn lực để phát triển TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại”.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, nhân dân TP Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua và nhấn mạnh: Với vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực miền trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng phải đi đầu trong phát triển kinh tế, CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng. Để làm được điều đó, thành phố cần thực hiện tốt các đột phá chiến lược, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng để kinh tế phát triển theo chiều sâu, dựa trên ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, viễn thông, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao, phát huy tốt vai trò trung tâm dịch vụ, thương mại, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo của khu vực. Phát triển nhanh du lịch, coi đây là mũi nhọn kinh tế của thành phố. Đầu tư nâng cấp hệ thống cảng biển, nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế biển của khu vực và cả nước,… Coi trọng công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại.

Chủ tịch nước chỉ rõ, Đà Nẵng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 8 (khóa XI) “về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị 46-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Chủ động ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, cuộc sống bình yên của nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị Thành ủy tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác: giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra, giám sát và công tác dân vận của Đảng bộ. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố; quan tâm phát triển đảng viên, cơ sở chính trị trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng,…

* Cùng ngày, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 13 chính thức khai mạc với sự tham dự của 320 đại biểu đại diện cho hơn 30 nghìn đảng viên trong Đảng bộ. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư dự và chỉ đạo Đại hội.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội nêu rõ: 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm trên địa bàn đạt 13,5%, cao nhất từ trước đến nay. Quá trình đô thị hóa tăng từ 21,3% năm 2010 lên 24,7% năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 36,5 triệu đồng/năm, tăng 2,3 lần so với đầu nhiệm kỳ. 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 22,2% tổng số xã trong tỉnh và thị xã Ngã Bảy được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2% đến 3%/năm,…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Đinh Thế Huynh biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, yếu kém; tập trung thảo luận, xác định giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng cao, gắn với công nghiệp chế biến để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, chú ý đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Coi trọng phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn; tích cực huy động, khai thác các nguồn lực để từng bước đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển, trong đó cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các hoạt động văn hóa, thể thao, thực hiện chính sách an sinh xã hội; trong đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là khâu đột phá chiến lược. Đảng bộ tỉnh phải thật sự coi trọng công tác xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng một cách kiên quyết, kiên trì gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nêu cao tinh thần đoàn kết; đổi mới công tác cán bộ, xem đây là khâu quyết định để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đã đề ra.

Dự kiến phiên bế mạc Đại hội vào ngày 16-10.

* Sáng 15-10, Đảng bộ tỉnh Bình Định khai mạc Đại hội Đại biểu lần thứ 19, với sự tham dự của 349 đại biểu đại diện cho hơn 59.500 đảng viên trong Đảng bộ. Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, dự và chỉ đạo Đại hội.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội do đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội quan trọng do Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đạt và vượt. Công tác xây dựng Đảng đạt những kết quả tích cực. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân tiếp tục được phát huy,…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tòng Thị Phóng biểu dương những thành tựu Đảng bộ, quân và dân Bình Định đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng chí yêu cầu tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực, chủ động thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực của nhân dân, của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Cần quan tâm nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch chung về phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành, các vùng, quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch dịch vụ, các khu dân cư. Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa – xã hội. Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; trong đó, thực hiện đồng bộ và có chất lượng công tác xây dựng Đảng vững mạnh trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đại hội bế mạc ngày 16-10.

* Sáng 15-10, Đảng bộ tỉnh Trà Vinh khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 10, với sự tham dự của 344 đại biểu đại diện gần 39 nghìn đảng viên trong Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Đồng chí Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội, nêu rõ: Nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 11,53%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Quốc phòng-an ninh được tăng cường, củng cố, ngày càng vững mạnh. Công tác tổ chức xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương kết quả Đảng bộ, quân và dân tỉnh Trà Vinh đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh trong những năm tới cần quán triệt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên. Đồng chí mong tỉnh Trà Vinh tập trung phát triển công nghiệp theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chú trọng các lĩnh vực có lợi thế như: thủy sản, may mặc, cơ khí đóng mới, sửa, chữa tàu thủy, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và đưa du lịch thành ngành kinh tế đóng góp đáng kể vào GDP của tỉnh. Quan tâm hơn việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật. Gắn thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Công tác xây dựng Đảng phải hướng mạnh về cơ sở; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; qua đó xây dựng khối đoàn kết thống nhất cao trong Đảng bộ. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của địa phương tạo nên bước đột phá trong nhiệm kỳ tới.

Dự kiến Đại hội kết thúc vào ngày 16-10.

* Sáng cùng ngày, Đại hội Đại biểu lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc chính thức khai mạc. 348 đại biểu đại diện cho hơn 63.000 đảng viên trong Đảng bộ về dự. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội, có đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Đồng chí Nguyễn Thế Trường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trình bày Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội, nêu rõ, nhiệm kỳ qua kinh tế của tỉnh tăng trưởng 6,36%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; GDP bình quân đầu người đạt 67,1 triệu đồng/năm. Năm 2015, thu ngân sách ước đạt hơn 22,1 nghìn tỷ đồng, là địa phương có số thu đứng thứ bảy trên cả nước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Phạm Quang Nghị biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ rõ nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với Đại hội đề ra, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, kinh tế thiếu tính ổn định và bền vững, nguồn thu chủ yếu vào khu vực kinh tế nước ngoài, ngành công nghiệp còn nhiều hạn chế,…

Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Vĩnh Phúc cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển mạnh sản xuất công nghiệp thật sự trở thành động lực của tỉnh; chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ. Tập trung phát triển dịch vụ, trước hết là dịch vụ công nghiệp như vận tải, kho bãi, thương mại, tài chính, ngân hàng,… Có cơ chế chính sách thu hút đầu tư các khu du lịch dịch vụ chất lượng cao, phấn đấu đưa dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế. Nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ hiện đại, thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch chung, quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ. Thường xuyên làm tốt công tác củng cố quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Quan tâm làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng; tiếp tục thực hiện các giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đại hội bế mạc ngày 16-10.

* Sáng cùng ngày, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ 18 chính thức khai mạc. Về dự Đại hội có 350 đại biểu đại diện cho 47.800 đảng viên trong Đảng bộ. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.

Trình bày Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 9,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,8 triệu đồng/năm. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng và có chuyển biến tích cực, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng cao…

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội, đồng chí Ngô Xuân Lịch biểu dương những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Cao Bằng đạt được. Tuy nhiên, đồng chí lưu ý Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo; một số tiêu chí kinh tế – xã hội chưa đạt, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn khó khăn, giảm nghèo chưa vững chắc, tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm…

Đồng chí Ngô Xuân Lịch đề nghị, Cao Bằng cần đánh giá đúng các hạn chế, tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục; có những căn cứ quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ trong năm năm tới. Đồng chí nhấn mạnh, Cao Bằng cần chủ động, tích cực khai thác hiệu quả các nguồn lực và tiềm năng, thế mạnh để đạt tăng trưởng cao và bền vững, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Đại hội tiếp tục làm việc đến ngày 16-10.

* Sau ba ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm cao, sáng 15-10, Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư họp phiên bế mạc.

Đại hội thống nhất đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ 2015-2020 là xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; kiên quyết, kiên trì tổ chức thực hiện một cách sáng tạo, có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới gồm 55 đồng chí, Ban Thường vụ 15 đồng chí. Đồng chí Đào Ngọc Dung tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy Khối.

Tối 15-10, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan T.Ư tổ chức chương trình nghệ thuật sử thi “Sáng mãi niềm tin theo Đảng”, chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư lần thứ 12.
Tại chương trình, thông báo nhanh kết quả Đại hội, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương kêu gọi các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Đảng bộ Khối nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối lần thứ 12.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc, phong phú, sinh động ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, tái hiện quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những chiến công vĩ đại trong thế kỷ 20.

* Chiều 15-10, Đại hội Đảng bộ Khối doanh nghiệp T.Ư lần thứ 2, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã họp phiên bế mạc, sau ba ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm.

Đại hội thống nhất một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt từ 7,5% đến 8%/năm; nộp ngân sách tăng hơn 5%/năm; thu nhập của người lao động tăng hơn 5%/năm; hoàn thành tiến độ, chất lượng 100% công trình, dự án trọng điểm quốc gia; số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh đạt 75% trở lên; mỗi năm kết nạp ít nhất 5.000 đảng viên,… Đại hội đã đề ra các nhóm giải pháp nhằm tập trung thực hiện năm nhiệm vụ trọng tâm và bốn nhiệm vụ then chốt.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Khối nhiệm kỳ 2015 – 2020 gồm 46 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Bùi Văn Cường tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy Khối.

* Sau bốn ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ 13, đã bế mạc.

Đại hội thông qua Nghị quyết với 18 mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân 6,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 38 triệu đến 40 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 260 nghìn tấn; tỷ lệ che phủ rừng 45%; giá trị sản xuất công nghiệp 5.042 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2015; tổng thu ngân sách địa phương 12 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 8.500 lao động/năm. Xây dựng TP Điện Biên Phủ trở thành đô thị loại II vào năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 14,36%; có 60% số trường học đạt chuẩn quốc gia; 80% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Hằng năm, có 45% đến 50% tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, kết nạp 2.000 đảng viên…

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới gồm 52 đồng chí. Ban Thường vụ gồm 16 đồng chí, Đồng chí Trần Văn Sơn được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

* Sau ba ngày làm việc, sáng 15-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 13 kết thúc thành công.

Đại hội xác định bốn khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới là: Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học và công nghệ. Một số mục tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ mới được xác định: GRDP tăng bình quân từ 7% đến 7,5%/năm; thu hút vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP chiếm 43% đến 44%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1% đến 1,2%; hơn 75% tổ chức cơ sở đảng xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có ít nhất 45% đạt trong sạch, vững mạnh. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.100 USD đến 3.200 USD; có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới gồm 50 đồng chí, Ban Thường vụ 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

* Chiều 15-10, sau ba ngày làm việc khẩn trương nghiêm túc, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2015 – 2020 họp phiên bế mạc.

Đại hội thống nhất các giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới, trong đó coi trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế; ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị, công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách… Hằng năm, kết nạp hơn 1.000 đảng viên.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa mới gồm 50 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 16 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Khắc Chử tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Nguồn Nhân dân