Đặc khu kinh tế: Đâu mới là mô hình chuẩn

Đặc khu kinh tế là mô hình đã và đang được áp dụng khá phổ biến trên thế giới theo nhiều cách thức khác nhau, với các kết quả cũng khác nhau. Vậy đâu là mô hình chuẩn? Báo điện tử Chính phủ xin giới thiệu loạt bài viết về các mô hình, bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế trên thế giới.

Làn sóng mở các đặc khu trên thế giới

Ưu thế về vị trí địa lý, như có hoặc gần cảng biển quốc tế là yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của các đặc khu kinh tế.

Đặc khu kinh tế là một khu vực riêng biệt có quy chế pháp lý riêng kèm theo những điều kiện ưu đãi về kinh tế dành cho các doanh nghiệp kể cả nội địa lẫn doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại đây. Mục đích của các quốc gia khi mở đặc khu kinh tế cơ bản đều giống nhau là để giải quyết các nhiệm vụ có tính chiến lược cho sự nghiệp phát triển đất nước cũng như mỗi địa phương nơi có đặc khu kinh tế đang hoạt động. Các nhiệm vụ chiến lược có thể là kinh tế đối ngoại, kinh tế xã hội, khoa học-kỹ thuật và công nghệ…

Bắt nguồn từ đâu

Trong lịch sử, đặc khu kinh tế đã có từ khá lâu. Tiền thân của nó là khu vực tự do buôn bán, xuất hiện từ thời Phoenicia cổ đại. Đặc khu kinh tế theo đúng nghĩa được thành lập năm 1959. Cách sân bay Shannon của Ireland không xa, trên một mảnh đất rộng khoảng 100ha, người ta quyết định xây dựng thành khu chế xuất. Quá trình xây dựng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu nhằm thu hút khách du lịch thông qua bán hàng miễn thuế và cửa hàng miễn thuế đầu tiên trên thế giới đã được khai trương tại đây.

Giai đoạn xây dựng đặc khu về sản xuất công nghiệp mất khá nhiều thời gian, phải tới năm 1980, Trung tâm công nghệ “Limerick” mới đi vào hoạt động. Chính nhờ kinh nghiệm này của Ireland mà từ năm 1980, các nước ở chấu Á và đặc biệt là Trung Quốc đã dấy lên phong trào mở các đặc khu kinh tế. Từ những năm 1980, tại Trung Quốc khái niệm “đặc khu kinh tế” mới thực sự nở rộ và được làm phong phú thêm.

Theo số liệu năm 2008, trên toàn thế giới có hơn 4 nghìn đặc khu kinh tế với 68 triệu lao động đang làm việc tại đó.

Chuyên viên của Ngân hàng Thế giới (WB) Tomas Farell nhận xét: “Nếu như 10 năm trở về trước có thể tại một số quốc gia, đặc khu kinh tế còn chưa xuất hiện thì nay hoặc là đã có hoặc là đang chuẩn bị được thành lập”.

Mất hay được

Theo một số chuyên gia phản biện, việc mở quá nhiều đặc khu kinh tế có thể tạo nên sự mất cân đối cho nền kinh tế, hơn nữa còn phải tốn nhiều tiền của để đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại đây và phần nào sẽ bị thâm hụt các khoản thu từ thuế. Tuy nhiên, nhiều quan chức Chính phủ lại cho rằng nhờ tạo ra nhiều việc làm, gia tăng được cán cân thương mại mà những thiệt hại này sẽ được bù đắp.

Thực tiễn đã cho thấy, tại nhiều quốc gia, không ít đặc khu kinh tế hoặc bị bỏ dở hoặc đã phải đóng cửa vì nhiều lý do. Theo các phân tích và đánh giá không chính thức thì các đặc khu kinh tế được chia thành 3 dạng: hiệu quả, không thực sự hiệu quả (các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây hoặc có lãi ít hoặc hòa vốn) và hoàn toàn bị thua lỗ. Trong 3 dạng này thì loại thứ ba có số lượng lớn hơn 2 loại còn lại.

Có nhiều lý do dẫn tới việc đóng cửa (giải thể) đặc khu kinh tế. Theo The Economist thì có thể là do xác định sai mục đích, chọn sai địa điểm (xa cảng biển, xa khu dân cư…) dẫn đến việc nhà đầu tư dù nhận được những ưu đãi nhưng vẫn không có đủ nhân công, doanh số xuất khẩu thấp… Ngoài ra, có thể còn do cơ sở hạ tầng không được đầu tư đủ và đúng như yêu cầu, quản lý và điều hành kém và tệ quan liêu tham nhũng.

Có lẽ vì lý do này mà các đặc khu kinh tế được thành lập ở châu Phi thường không mang lại hiệu quả cao như các khu vực khác trên thế giới. Điển hình trong số này là đặc khu kinh tế tại Senegal, mặc dù quy mô rất lớn nhưng sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa vì tệ hành chính quan liêu nhũng nhiễu, giá điện quá cao và lại xa cảng biển. Tại bang Maharashtra, trong số 139 đặc khu kinh tế được phê duyệt thì có tới 61 đặc khu bị các nhà đầu tư từ chối tham gia bởi lý do chính sách không rõ ràng, công tác kiểm tra giám sát không minh bạch và phải “qua cửa” 15 cơ quan chức năng mới nhận được giấy phép kinh doanh cho mình. Hơn nữa, các cuộc biểu tình của dân địa phương liên quan đến việc thu hồi đất cũng làm cho các nhà đầu tư không nhìn thấy lợi ích nếu triển khai kinh doanh tại đây.

Trung Quốc được coi là nước có tỷ lệ các đặc khu kinh tế kinh doanh hiệu quả gần như cao nhất thế giới. Điển hình trong số này là đặc khu Thâm Quyến (được thành lập vào năm 1980). Hiện tại, Thâm Quyến vẫn được coi là “đầu tàu” về xuất khẩu của Trung Quốc. Tại nước này, có hàng chục đặc khu đang hoạt động. Hôi đầu tháng ba năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi phải đẩy mạnh hơn việc mở thêm các đặc khu kinh tế mới.

Các đặc khu kinh tế thành công hơn cả chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Các lĩnh vực kinh tế khác đôi khi không đạt được kết quả như kỳ vọng. Khu vực tự do thương mại tại Thượng Hải là một ví dụ. Mục tiêu đặt ra khi thành lập đặc khu này (năm 2013) là thu hút tài chính và chu chuyển vốn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, mục tiêu này đã bị đổ bể. Ba phần tư lãnh đạo các công ty của Mỹ hoạt động tại đây thừa nhận rằng kết quả đã không đạt được như kỳ vọng ban đầu.

Ai quản lý

Hiện nay, trên thế giới, cuộc tranh luận giữa hai trường phái xung quanh vấn đề quản lý các đặc khu kinh tế đang diễn ra sôi nổi. Một trường phái thì cho rằng việc quản lý, điều hành này phải do nhà nước nắm, trường phái khác thì cho rằng nên giao cho tư nhân sẽ hiệu quả hơn.

Ở Philippines, trường phái thứ hai được ủng hộ vì họ cho rằng sẽ bớt đi tệ quan liêu, nhũng nhiễu và có lẽ vì thế mà tại đây số đặc khu do tư nhân quản lý nhiều gấp cả chục lần so với các đặc khu do nhà nước quản lý.

Khái niệm “đặc khu kinh tế” cùng với thực tiễn đang được bổ sung và làm phong phú thêm. Tại Hàn Quốc và Thái Lan, bắt đầu xuất hiện khái niệm “Khu công nghiệp sinh thái”, thực chất, của các khu dạng này cũng vẫn là đặc khu kinh tế nhưng người lao động làm việc tại đây chủ yếu là những người nhập cư.

Năm 2005, LB Nga ban hành đạo luật “Về các đặc khu kinh tế”. Theo đạo luật này thì các đặc khu kinh tế của Nga được phân chia làm 4 loại: đặc khu về sản xuất công nghiệp, đặc khu về kỹ thuật và công nghệ, đặc khu về du lịch và đặc khu về kho bãi và vận tải. Một công ty cổ phần dạng mở với tên gọi “Đặc khu kinh tế” (có vốn pháp định là hơn 114 tỷ ruble và 100% là vốn nhà nước) đã được thành lập để quản lý và điều hành các đặc khu kinh tế. Một Thứ trưởng của Bộ Phát triển kinh tế Nga tham gia vào ban giám đốc của công ty này.

Đặc khu kinh tế vẫn đang là đề tài mà cả Chính phủ và các công ty trên khắp toàn cầu rất quan tâm. Theo dự báo, trong tương lai không xa tổng các đặc khu kinh tế của toàn thế giới sẽ đạt ngưỡng khoảng 5 nghìn.

Nguồn Chính phủ