Cơn sốt biểu tình làm nguội kinh tế Thái Lan

Sau ít ngày lắng dịu, hôm 7/1, dòng người ở Thái Lan lại tập hợp biểu tình, tuần hành nhằm khởi động cho chiến dịch “đóng cửa” Bangkok bắt đầu từ ngày 13/1 của lực lượng chống chính phủ.

Trong một âm mưu tương tự như phong trào “Chiếm phố Wall” tại Mỹ hồi năm 2011, phe chống chính phủ có kế hoạch từ ngày 13/1 tới dự kiến sẽ phong tỏa các địa điểm quan trọng ở thủ đô Bangkok, ngăn cản các quan chức chính phủ tới công sở, cắt điện, nước ở các cơ quan trung ương cũng như tư dinh của Thủ tướng Yingluck và nội các của bà. Thủ lĩnh phe biểu tình Thái Lan Suthep Thaugsuban cho hay, chiến dịch “đóng cửa” Bangkok sẽ dự kiến kéo dài 10- 20 ngày nhằm gây khó khăn cho chính phủ và buộc chính phủ phải tuân thủ theo các yêu cầu của nhân dân.

Các cuộc biểu tình tại Bangkok đã bùng phát kể từ cuối năm 2013 nhưng hầu hết là diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, nền kinh tế Thái Lan đã bị thiệt hại đáng kể do những bất ổn về chính trị. Theo ông Pichai Nariphthanpan, một trong những người có trách nhiệm của đảng cầm quyền Pheu Thai, khủng hoảng chính trị đã làm nền kinh tế Thái thiệt hại 70 tỷ bath (khoảng 2,1 tỷ USD) trong năm vừa qua.

Thông báo của thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban sẽ phong tỏa thủ đô Bangkok ngày 13/1 tới cũng làm giới kinh doanh e sợ. Đảng cầm quyền Pheu Thai cảnh báo hành động này nếu xảy ra sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vốn đã xuống thấp. Theo số liệu của báo Bangkok Post, các nhà đầu tư ngoại quốc tại Thái Lan trong tháng 12/2013 đã bán ra khoảng 200 tỷ bath cổ phiếu. Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan Tanit Sorat cảnh báo phe đối lập rằng nếu thủ đô bị phong tỏa thì các hoạt động ngân hàng, thương mại và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Giới kinh doanh tỏ ra vô cùng lo ngại trước những ảnh hưởng xấu có thể gây ra cho các khu vực kinh tế, đặc biệt là trong trường hợp các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn hoặc người tham gia bủa vây sân bay tại thủ đô như họ đã từng làm năm 2008. Bangkok là nơi tập trung rất nhiều các công ty đa quốc gia. Một cuộc phong tỏa kéo dài tại trung tâm thành phố có thể khiến việc vận chuyển các đơn hàng bị ngưng trệ và phức tạp hóa quy trình cấp phép xuất nhập khẩu. Theo tính toán, các cuộc tấn công vào tuần tới sẽ khiến nền kinh tế mất mát 20 tỷ baht (606 triệu USD). “Thiệt hại có thể khủng khiếp hơn nếu như các cuộc biểu tình biến thành bạo động”, đó là khẳng định của Kriengkrai Thiannukul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thái Lan.

Theo báo cáo của Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI), đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ba quý đầu năm chỉ đạt 757 tỷ baht và dự kiến giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Lan trong năm nay sẽ đạt khoảng 900 tỷ baht, thấp hơn nhiều so với con số đăng ký gần 1.500 tỷ baht trong năm 2012.

Bất ổn chính trị từ lâu không còn là chuyện lạ ở Thái Lan. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình rầm rộ lần này lại diễn ra đúng vào mùa cao điểm du lịch hàng năm, khiến thiệt hại kinh tế càng lớn. Theo số liệu của cơ quan phụ trách du lịch, Thái Lan đã mất đi khoảng một triệu lượt du khách, trong đó 600.000 người dân Thái quyết định ở nhà không đi du lịch và 400.000 khách quốc tế đã hủy hoặc hoãn du lịch sang Thái Lan. Làn sóng biểu tình xảy ra vào thời điểm bất lợi nhất cho ngành du lịch. Có tới 37 quốc gia khuyên công dân của họ không nên tới Thái Lan vào lúc này.

Ngành du lịch chiếm tới 8% tổng sản phẩm quốc nội Thái Lan. Con số này có thể nhân đôi nếu tính cả những khoản lợi gián tiếp của các hoạt động liên quan như vận tải. Đây thực sự là một cú sốc đối với ngành du lịch nhưng chưa đến mức trở thành một thảm họa vì trước khi xảy ra khủng hoảng chính trị, số lượt du khách đã tăng rất mạnh.

Ngành lắp ráp xe hơi cũng như điện tử, hai lĩnh vực mũi nhọn của công nghiệp Thái Lan phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài hơn là tình hình chính trị trong nước. Do kinh tế thế giới chưa phục hồi hẳn nên các xuất khẩu trong năm nay tăng chậm. Tình hình cũng tương tự đối với đầu tư tại Thái Lan trong lúc mức tiêu thụ của các hộ gia đình chững lại.

Thị trường tài chính của nước này cũng đã lao đao trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng. Tiền Thái giảm xuống còn 33 baht mỗi USD vào cuối tuần trước, mức thấp kỷ lục trong 3 năm qua. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đồng baht Thái đã mất giá 4,9%, trong khi chỉ số chính của thị trường chứng khoán Thái Lan “bốc hơi” 7,9%. Trong quý 3 vừa qua, GDP của Thái Lan tăng trưởng 2,7%, mức thấp nhất trong hơn 1 năm.

Trong bối cảnh không mấy sáng sủa này, chính phủ Thái Lan đã tiến hành nhiều dự án lớn. Việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc, các dự án làm đường bộ, xây cảng biển sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động của nền kinh tế. Thế nhưng, việc tài trợ cho các dự án lớn giờ đây đã bị đình trệ do khủng hoảng chính trị. Việc phát hành công trái huy động vốn chỉ được thực hiện một khi có chính phủ mới, tức là phải đợi đến sau cuộc bầu cử ngày 2/2/2014.

Ngoài ra, bất ổn gia tăng vào thời điểm này sẽ càng khiến các nhà đầu tư nước ngoài thêm thận trọng với Thái Lan, khi mà động thái cắt giảm gói QE3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã trở thành động cơ để các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi về các thị trường phát triển để tranh thủ mức lãi suất tăng cao hơn.

Có thể thấy rõ một điều rằng tình trạng bế tắc chính trị tại Thái Lan đang khiến cho nền kinh tế nước này phải chịu hậu quả và nhiều chuyên gia đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng này đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của Thái Lan.

Theo một số dự báo, nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Prasarn Trairatvorakul cho rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nếu xuất hiện khoảng trống chính trị khiến cho việc phân bổ ngân sách gặp trở ngại.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đánh giá rằng nếu khủng hoảng tiếp diễn, kể cả sau cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 2/2014, nền kinh tế Thái Lan sẽ chịu hậu quả, đồng thời nó sẽ xói mòn lòng tin của giới đầu tư.

Nguồn Chính phủ