Chi-lê phát triển năng động và ổn định

       Chi-lê là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để nước này phát triển kinh tế. Nền kinh tế Chi-lê được đánh giá là phát triển năng động và ổn định nhất ở khu vực Mỹ la-tinh.

        

Nằm ở khu vực Nam Mỹ, với diện tích 756.950 km2, phía bắc, Chi-lê có chung đường biên giới với Pê-ru, đông giáp Bô-li-vi-a và Ác-hen-ti-na, tây giáp Thái Bình Dương và đông - nam giáp Đại Tây Dương. Chi-lê có nguồn tài nguyên giàu có và phong phú, như đồng, sắt, than, gỗ và hải sản. Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nước này gồm kim loại mầu, thủy sản, hóa chất, giấy, bột cá, rượu vang và hoa quả.

Trong những năm gần đây (trừ năm 2009), tăng trưởng kinh tế Chi-lê luôn duy trì từ 5% đến 6%, một mức cao trong khu vực. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Chi-lê năm 2011 đạt 243,05 tỷ USD, tăng 6,5% so năm 2010. Chi-lê chủ trương đẩy mạnh tự do hóa thương mại và là một trong những nước ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) nhiều nhất với các nước trên thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của quốc gia Nam Mỹ này năm 2011 đạt 150 tỷ USD, trong đó các bạn hàng lớn nhất gồm: Trung Quốc chiếm 14,8%, Mỹ (12,5%), Nhật Bản (10,5%)… Xuất khẩu của Chi-lê năm 2009 đạt 53,4 tỷ USD, năm 2010 là 64,28 tỷ USD và năm 2011 đạt 80,59 tỷ USD. Chi-lê là nước sản xuất và xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một phần ba sản lượng toàn cầu.

Với chiều dài bờ biển hơn 6.400 km, Chi-lê có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản. Bộ Thủy sản Chi-lê (SUBPESCA) cho biết, năm 2011, nước này đã xuất khẩu 1.176.534 tấn thủy sản, tăng 19 % so năm 2010; tổng giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 4,697 tỷ USD, tăng 31% và chiếm 5,8 % tổng giá trị xuất khẩu của Chi-lê. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính gồm bột cá, cá hồi Đại Tây Dương và cá hồi vân, trong đó, thị trường quan trọng nhất là Nhật Bản chiếm 31,3%, đạt 1,472 tỷ USD; Mỹ 18,7% và Trung Quốc 8,4%.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Chi-lê không thể không nhắc tới rượu vang. Nằm giữa dãy núi An-đết và Thái Bình Dương, Chi-lê có đặc điểm khí hậu đa dạng, khá ôn hòa, nhiệt độ trung bình trên dưới 20 độ C. Nhờ sự kết hợp hài hòa các yếu tố như thổ nhưỡng, ánh nắng mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm đa dạng phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các giống nho phục vụ sản xuất rượu vang chất lượng cao. Lịch sử sản xuất rượu vang của Chi-lê có truyền thống lâu đời, bắt đầu từ thế kỷ 16, khi những người Tây Ban Nha mang tới vùng đất này những giống nho quý của Pháp như Cabernet, Chardonnay, Merlot, Pinot Noir, Sauvignon Blanc, Malbec và Carmeniere… Đây cũng là những giống nho chính để tạo ra các sản phẩm rượu vang chất lượng cao của Chi-lê. Từ năm 1980, xuất khẩu rượu vang Chi-lê phát triển mạnh. Số lượng hãng sản xuất rượu vang tăng nhanh từ 12 hãng năm 1995 tới hơn 80 hãng năm 2010. Chi-lê đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu rượu vang lớn nhất thế giới. Sản lượng rượu vang đứng thứ bảy và xuất khẩu đứng thứ năm. Rượu vang Chi-lê ngày càng được đánh giá cao về chất lượng và giành được nhiều giải thưởng tại các hội chợ thực phẩm, cuộc thi và các sự kiện quốc tế. Chi-lê cũng tích cực tổ chức quảng bá, giới thiệu rượu vang ra nước ngoài tại các hội chợ và các hoạt động văn hóa khác. Các vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng của Chi-lê phải kể đến là vùng châu thổ Ca-sa-blan-ca; châu thổ miền trung gồm các tiểu vùng châu thổ Côn-cha-gua, Mai-po, Ra-pen, Cu-ri-cô và Mau-le…

Chi-lê xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là kim loại mầu, thủy sản, gỗ và rượu vang…; và nhập khẩu từ nước ta các mặt hàng giày dép, hàng dệt may, cà-phê, đồ nhựa…