Châu Á với sức mạnh Tập đoàn kinh tế Nhà nước

                    

                                              
Các tập đoàn Nhật Bản đã tạo nên sức mạnh vũ bão cho nền kinh tế Nhật.
 

Các tập đoàn châu Á với sự hỗ trợ của nhà nước đang là một đối thủ lớn đối với các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, thay vì cố gắng ngăn cản hay phủ nhận sự lớn mạnh của họ, các công ty và chính phủ Âu Mỹ tốt hơn là nên học hỏi .

Một trường hợp điển hình là vào những năm 1980, khi các tập đoàn Nhật Bản được nhà nước hỗ trợ trong một thời gian ngắn đã hầu như xâm chiếm toàn thế giới. Vào lúc đó, sự phát triển vũ bão của ngành công nghệ Nhật Bản với chế độ bảo hộ và sự xâm nhập được tính toán kỹ lưỡng vào các thị trường nước ngoài dường như đã khẳng định tính ưu việt của tư bản nhà nước.

Thành công hiển nhiên của Trung Quốc và Brazil với những phiên bản kinh tế nhà nước của riêng mình giờ đang gây mối lo ngại mới cho người Bắc Mỹ. Điều hiện nay khiến người ta bối rối nhất là câu hỏi về tính hiệu quả: Chẳng hạn, tư bản nhà nước có sáng tạo hơn hay cạnh tranh hơn các công ty thị trường ?

Cuộc chiến thuốc phiện

Chính phương Tây đã bày ra luật chơi này với các nước châu Á. Viết cho các giám đốc của Công ty liên hiệp Đông Ấn vào đầu thế kỷ 17, Jan Pieterszoon Coen, một nhà thực dân khai phá vùng Đông Á đã nói trắng trợn rằng :”Chúng ta không thể làm thương mại mà không có chiến tranh, hay chiến tranh mà không có thương mại”.

Mải đấu tranh với các đối thủ thực dân châu Âu cũng như đảo Java, Coen không có thời gian để nghĩ về khái niệm “bàn tay vô hình”. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của ông tại Công ty Đông Ấn Anh Quốc liên tục tìm kiếm sự hỗ trợ về ngoại giao và quân sự tại châu Á.

Mối quan hệ giữa chính phủ và doanh nhân đã đạt đến đỉnh cao trong thời kỳ Cuộc chiến thuốc phiện thế kỷ 19, khi các nhà buôn Anh quốc thèm khát xâm nhập vùng thị trường mới ở sâu bên trong Trung Quốc đại lục. Họ đã liên tục vận động hành lanh với các nhà chính trị Anh để tiến hành các cuộc tấn công vào Trung Quốc.

Phát triển ngành công nghiệp nội địa với các chính sách bảo hộ chặt chẽ, các nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tiếp thu bài học từ châu Âu cổ kính vào cuối thế kỷ 19. Woodrow Wilson cũng như Theodore Roosevelt đã hiểu rằng hàng hoá Mỹ và vốn Mỹ phải nhanh chóng tìm thấy thị trường ở ngoài biên giới. Năm 1907, Wilson khẳng định :”Bởi vì thương mại không cần đến đường biên giới và các nhà sản xuất cần có thị trường là cả thế giới, lá cờ của quốc gia sẽ phải hướng về họ, và cánh cửa đóng của bất cứ quốc gia nào sẽ bị bắn hạ”. 

Wilson cho thấy rằng ông muốn cả thế giới là của hàng hoá Mỹ và vốn Mỹ hơn là nền dân chủ. Nhà kinh tế đầy ảnh hưởng người Mỹ gốc Đức  Friedrich List đã phủ nhận học thuyết thương mại tự do của Adam Smith là không phù hợp với tình hình của thế kỷ 19, với sự cạnh tranh và mất công bằng giữa các quốc gia.

Đi sau nên đi tắt ?

Rõ ràng, các nước châu Á đã có rất ít lựa chọn khi bước vào cuộc đua kinh tế và công nghệ một cách muộn màng. Đến thăm nước Mỹ vào năm 1903, Lương Khải Siêu, một nhà trí thức hiện đại nổi tiếng của Trung Quốc, đã rất kinh ngạc trước hệ thống công nghiệp của nước này. Ông mô tả đó nó có sức mạnh hơn cả những gì  Alexander Đại đế và Thành Cát Tư Hãn có thể tưởng tượng, và sẽ sớm vượt Thái Bình Dương xâm chiếm Trung Quốc già yếu.

Để chống lại sự thống trị của Mỹ về kinh tế và giữ vững vai trò của mình trên thế giới, ông Lương cho rằng xã hội nông nghiệp Trung Quốc cần sản xuất công nghiệp theo phương pháp mới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Ông thấy rằng nước láng giềng Nhật Bản cũng đã bắt tay vào kế hoạch tham vọng tương tự với mô hình đổi mới theo sự kiểm soát của nhà nước để bắt kịp phương Tây.

Hai thế hệ người Nhật đã tiếp thu hoàn toàn chủ nghĩa dân tộc kinh tế của List. Quốc gia này nhờ thế đã vượt qua được sự tàn phá của Chiến tranh thế giới thứ 2 .

Bài học của Nhật Bản đã được Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan học tập. Tất cả các nước theo chủ nghĩa tư bản nhà nước lại nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của Mỹ  khi nước này theo đuổi những lợi ích địa chính trị.

Vào những năm cuối thập kỷ 70, Trung Quốc sau một thời gian dài với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, đã bắt đầu tiếp thu những bài học từ các nước châu Á. Sự mô phỏng một cách thận trọng có cải tiến đã đem lại những thành công lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, cùng với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc cho các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát các ngành công nghiệp chiến lược.

Hơn thế nữa, chủ nghĩa kinh tế yêu nước càng thể hiện trong các chính sách thương mại và đầu tư. Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Trung Quốc bắt kịp các nước phương Tây. Ông từng nói :”Đất nước phải phát triển, nếu chúng ta không phát triển, chúng ta sẽ bị chèn ép. Phát triển là chân lý duy nhất”.

Xâm chiếm thế giới

Những nhà lãnh đạo của Trung Quốc trước đây, nếu còn sống chắc hẳn rất hài lòng khi Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tháng trước tiến hành mua lại tập đoàn dầu mỏ lớn hàng đầu của Canada Nexen với giá 15,1 tỷ USD. Thương vụ này sẽ mang lại những công nghệ mới cho CNOOC và đưa tập đoàn này trở thành đối thủ của Exxon Mobil. Chính sách ưu tiên phát triển kinh tế của ông Lương là một trong những yếu tố giúp Trung Quốc tạo sức cạnh tranh ở nước ngoài.

Thỏa thuận thu mua Nexen là thương vụ đầu tư vào Canada thứ ba của CNOOC. Năm 2005, hãng này đã chi tới 120 triệu USD để thu mua 16,7% cổ phần tại Công ty dầu mỏ MEG Energy. Tháng 11 năm ngoái, CNOOC cũng đã tiến hành thâu tóm hãng dầu mỏ Opti Canada với giá 2,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, Mỹ đã không để thương vụ này diễn ra suôn sẻ. Mỹ đã ra lệnh đóng băng tài khoản của các công ty bị cáo buộc sử dụng thông tin giao dịch nội gián để trục lợi xung quanh thương vụ này.

Cùng lúc đó, Thượng nghị sĩ Charles Schumer đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đề nghị ngăn cản thương vụ M&A này. Ông đề nghị cơ quan trên chỉ ủng hộ, nếu Trung Quốc nới lỏng rào cản đầu tư nước ngoài và tuân thủ luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Còn tại Canada, Giáo sư Paul Evans, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (Canada), nhận định thương vụ Nexen sẽ châm ngòi tranh cãi về quan hệ Canada – Trung Quốc. Ông cho biết, nhiều ý kiến ở Canada đang lo ngại cách thức kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc.

Trên thực tế, trên thế giới đã có nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau, được hình thành do hoàn cảnh lịch sử và các biến động chính trị đặc thù. Mỗi quốc gia nếu lựa chọn đúng mô hình phù hợp cho từng giai đoạn sẽ gặt hái được những thành công vượt trội và ngược lại.