Bất chấp Nga phản đối, Mỹ – NATO quyết phát triển lá chắn tên lửa

       Chỉ còn hai tuần nữa, ngày 20-5, Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ở Chicago (Mỹ). Trong khi Nga cương quyết phản đối thì NATO vẫn khẳng định sẽ triển khai giai đoạn đầu tiên Hệ thống phòng thủ chống tên lửa đặt tại châu Âu (AMD). Bất đồng này đã làm nóng Hội nghị quốc tế về phòng thủ tên lửa diễn ra hai ngày qua ở Mátxcơva, khiến quan hệ Nga - NATO thêm căng thẳng.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2PM Topol của Nga.

Lời trấn an quen thuộc

Trước phản ứng của Nga đe dọa có thể dùng biện pháp quân sự đối với các cơ sở phòng thủ tên lửa tại Đông Âu nếu NATO triển khai lá chắn tại khu vực này, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen một lần nữa lên tiếng trấn an Nga rằng: không có lý do gì để NATO tấn công Nga để vi phạm thỏa thuận giữa Nga và NATO đã ký năm 1997 với cam kết không tấn công lẫn nhau.

Năm 2010, Mỹ và NATO đã nhất trí phát triển Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ (NMD) và NATO (AMD) tại châu Âu, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Theo các chuyên gia Nga, việc Washington có ý định công bố về hoàn thành giai đoạn tác chiến đầu tiên của AMD tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 20-5, cho thấy Mỹ và NATO đã quyết tâm phát triển bằng được lá chắn tên lửa bất chấp những lo ngại và lợi ích chính đáng của Nga. Mối lo ngại của Nga, các tên lửa phòng thủ Mỹ hoàn toàn có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo Nga.

Từ trước đến nay, NATO và Mỹ chỉ thừa nhận việc phát triển hệ thống tên lửa trên nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ Iran và CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên), trong khi Nga khẳng định hệ thống này nhằm làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của Nga. Nga đã nhiều lần yêu cầu NATO xác nhận bằng văn bản rằng hệ thống phòng thủ này không nhắm vào Nga, nhưng NATO cũng nhiều lần từ chối.

Điện Kremlin cho rằng cả Mỹ và NATO đều thổi phồng mối đe dọa tên lửa từ Iran và Triều Tiên để gây bất lợi đối với Nga. Để củng cố quan điểm của mình, ngày 3-5, Tổng cục trưởng Tình báo Bộ Tổng tham mưu Liên bang Nga Igor Sergun, khẳng định Iran và Triều Tiên chưa có tên lửa đạn đạo tầm xa và hiện chỉ có các cường quốc hạt nhân được chính thức công nhận sở hữu tên lửa đạn đạo tầm xa (tầm bắn hơn 5.500km).

Nga cứng rắn

Tại hội nghị quốc tế về phòng thủ tên lửa, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tuyên bố nước này sẽ không cho phép bất kỳ nước nào trên thế giới thành lập hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm phá vỡ tương quan chiến lược hiện nay.

Ngày 4-5, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Nikolai Makarov tuyên bố sẽ tấn công Ba Lan và Romania nếu Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu và quyết định tấn công phủ đầu nếu tình hình càng xấu đi.

Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nhắc lại việc NATO từ chối thảo luận các điều kiện liên quan đến các việc bảo đảm pháp lý để ràng buộc rằng hệ thống sắp triển khai không nhằm vào Nga càng cho thấy sự không rõ ràng từ NATO.

Vì thế, Nga không thể yên tâm về sự thiếu minh bạch này của NATO. NATO một mặt kêu gọi Nga tích cực thảo luận nhưng thật sự lại theo những điều khoản thảo luận do NATO đưa ra. Do vậy, đôi bên khó đạt được sự đồng thuận cao để làm sáng tỏ vấn đề này.

Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyuko khẳng định: Tên lửa Iran không thể bay tới lãnh thổ châu Âu, nơi các tổ hợp phòng thủ ấy được bố trí. Và hiện nay, trong khu vực Israel và Thổ Nhĩ Kỳ… đã triển khai các cơ sở phòng thủ tên lửa, thực sự có thể đối phó với mối đe dọa từ Iran. Điều này một lần nữa xác nhận lập luận đơn giản rằng hệ thống phòng thủ tên lửa bố trí ở Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia, Romania, Bulgaria, duy nhất có mục đích chống Nga.

Vì thế, Nga phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc Nga sẽ có thể vượt qua thử thách để hợp tác và cùng nhau ứng phó các mối đe dọa tên lửa và những thách thức đang nổi lên, hoặc Nga sẽ bắt buộc áp dụng các biện pháp kỹ thuật quân sự, tùy thuộc vào việc châu Âu thực hiện kế hoạch chống tên lửa như thế nào.

Khi ấy, Nga có thể triển khai hoạt động tại Kaliningrad với hệ thống tên lửa chiến lược Iskander.