Về thăm Phố Hiến

      Phố Hiến là một địa danh cổ, nay thuộc địa phận thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Vào thế kỷ 17-18, nơi đây từng là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam, một đô thị trải dài theo bờ tả ngạn sông Hồng. Ngoài kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ là thủ đô phồn vinh nhất nước, Phố Hiến đã là một đô thị nổi bật đứng ở vị trí thứ hai. Dân gian có câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, điều đó cho thấy phần nào về sự phồn thịnh của vùng đất lịch sử một thời nổi danh này.

Dưới đây là một số di tích còn lưu giữ được tới nay về địa danh Phố Hiến xưa:

Văn miếu Xích Đằng- một di tích lịch sử cấp quốc gia trong quần thể di tích cổ Phố Hiến, được xây dựng từ thế kỷ XVII, nguyên là Văn Miếu của Trấn Sơn Nam xưa, là một trong những công trình còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo trong các văn miếu còn lại ở Việt Nam. Được xây dựng theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên Tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi hương. Hiện Văn miếu Xích Đằng thờ Đức Khổng Tử, và thầy Chu Văn An, người hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc Tử Giám…

Văn Miếu Xích Đằng còn lưu giữ những hiện vật hết sức quý giá - đó là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ của 161 vị đỗ đại khoa ở trấn Sơn Nam xưa.

Khánh đá cổ,chuông đồng từ thế kỷ 18cùng hai ngọn tháp đá “Phương Trượng tháp” và “Tịnh Mãntháp”là những bảo vật độc đáo hiện còn lưu giữ tại di tích lịch sử đặc biệt này.

Chùa Hiến (Thiên Ứng Tự) tương truyền được xây dựng từ thời Trần, do quan đại thần Tô Hiến Thành, nhà Lý hưng công xây dựng, được trùng tu năm 1709. Chùa Hiến hiện còn lưu giữ hai tấm bia đá cổ mang nhiều tư liệu lịch sử, nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến xưa, và di tích về cây nhãn “tiến” (nhãn tiến vua) có tuổi thọ trên 300 năm, một biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản Phố Hiến - Hưng Yên.

Đông Đô Quảng Hội - được xây dựng vào năm 1590. Xưa kia, địa danh này thuộc trung tâm Phố Hiến hạ, thôn Mậu Dương, tổng An Tảo, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài buôn bán trong thời kỳ phồn thịnh của đô thị Phố Hiến cổ.

Chùa Chuông (Kim Chung Tự) - di tích được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Được xây dựng từ thế kỷ 15, qua nhiều lần trùng tu hiện chùa vẫn giữa được nét kiến trúc thời Hậu Lê, với kết cấu kiến trúc “nội công ngoại quốc”, gồm tiền đường, thượng điện, nhà tổ, nhà mẫu và hai dãy hành lang. Tại đây còn lưu giữ hệ thống di vật; tượng Phật, hoành phi, câu đối, bia đá cổ… mang giá trị nghệ thuật, lịch sử cao

Cầu đá cổ - Chùa Chuông

Đền Trần – nằm trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, TP. Hưng Yên ngày nay và là trung tâm của Phố Hiến xưa. Đây là di tích tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Công trình có kiến trúc xây dựng thuần Việt, với kiến trúc kiểu chữ Tam gồm tiền tế, trung từ và hậu cung. Năm 1992, di tích này đã được Nhà nước xếp hạng Di sản lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Di tích Đền Mây - thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ, một vị tướng tài ba của nước ta trong thời kỳ đầu độc lập tự chủ. Hiện nay đền tọa lạc tại thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, TP. Hưng Yên. Địa danh này từng là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, cũng là một trong những trang trại đầu tiên của Hưng Yên, dấu ấn về vùng vạn chài Xích Đằng xưa với bến đò Mây, thuyền bè buôn bán tấp nập. Tại đây hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật từ thế kỷ 17; hai cỗ kiệu bát cống, lư hương, các tác phẩm điêu khắc từ thế kỷ 17, đặc biệt là 18 đạo sắc phong có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn.