Bé ăn sữa chua.

     Ai cũng nói sữa chua tốt, nhưng tốt như thế nào và với trẻ em, nó có tác dụng nào khác? Trẻ nên ăn sữa chua lần đầu tiên vào lúc nào và ăn bao nhiêu là đủ, ăn thế nào là đúng?

Sữa chua tốt, đó là điều chẳng cần phải bàn! Đã có quá nhiều công trình nghiên cứu và nhiều bài báo tuyên bố việc này. Nên với mong muốn làm những điều tốt nhất cho con, không có gì lạ khi các bậc cha mẹ đưa thêm sữa chua vào thực đơn của bé. Nhưng, đúng như tên gọi của nó, sữa chua với vị chua thường khiến các bà mẹ ngần ngại. Đấy là chưa kể, gì thì gì, sữa chua cũng được làm nhờ sự lên men của… vi khuẩn. Mà nhắc đến vi khuẩn, người ta cứ có ấn tượng xấu, rất xấu. Vậy thực sự có nên cho trẻ ăn sữa chua và ăn đến mức nào, ăn ở lứa tuổi nào?

Bé ăn sữa chua

Đội quân mũ trắng

Thôi thì, để tránh cái từ vi khuẩn đáng sợ ấy, có thể nói, sữa chua được lên men vi sinh. Còn để rõ ràng hơn thì các bà mẹ cũng nên biết, những vi khuẩn có trong sữa chua là quân “mũ trắng”, có lợi. Chúng giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn “mũ đen” có hại trong hệ thống tiêu hóa. Các bác sĩ thậm chí còn khuyên rằng, khi bé bị rối loạn tiêu hóa hoặc bị tiêu chảy, một hũ sữa chua vừa phải sẽ là đội “viện binh” tốt nhất cho cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, giúp bé mau chóng khỏe mạnh trở lại.

Và nếu bạn thấy con mình còi cọc và “nghe nói rằng” bổ sung men tiêu hóa là cách rất tốt để bé hấp thu thức ăn trọn vẹn hơn, tăng cân nhanh hơn, thì trước hết, bạn hãy nghĩ đến sữa chua như một loại men tiêu hóa tự nhiên nhất. Dĩ nhiên, sữa chua cũng có tác dụng tương tự các loại men tiêu hóa khác, bởi như đã nói, chúng giúp cho việc tiêu hóa thức ăn được dễ dàng hơn. Ngoài ra, trong thành phần sữa chua cũng có đầy đủ các chất đường, đạm, chất béo, canxi và một số loại vitamin.

Hơn thế, protein và lipid có sẵn trong sữa, được lên men đã trở nên được tiêu hóa một phần, rút ngắn thời gian hấp thu trong cơ thể người. Đó là chưa kể đối với một số người bị dị ứng sữa do dị ứng lactoza có trong sữa thì dùng sữa chua sẽ không gặp vấn nạn cũ, vì đường lactoza lúc này đã được lên men dễ hấp thu. Đây cũng là lý do khiến lượng đường tồn đọng lại ở hệ tiêu hóa giảm đi, giúp bé tránh bị tiêu chảy và cũng giúp cơ thể bé hấp thu canxi cùng một số khoáng chất khác dễ dàng hơn.

Bé ăn sữa chua
 

Bao giờ và như thế nào?

Các bậc cha mẹ thường đặt câu hỏi, khi nào thì bé có thể ăn sữa chua, ăn bao nhiêu thì vừa và ăn thế nào cho hợp lý? Thực ra, cũng như các loại thực phẩm khác, sữa chua có thể được dùng ngay khi bé bắt đầu ăn giặm, tức khoảng 6 tháng. Nếu ngại vị chua của nó, bạn có thể cho bé dùng trễ hơn, khoảng 7-8 tháng, không hề gì.

Thời gian đầu, bé chỉ nên dùng khoảng 50g mỗi ngày và một tuần dùng không quá 3 lần. Thời gian sau, lượng dùng có thể tăng lên, như từ 1-2 tuổi, bé có thể dùng gấp rưỡi lúc đầu và trên 2 tuổi dùng đến 100g một ngày. Khác với người lớn, trẻ con cần chất béo để phát triển, nên khi cho bé dùng sữa chua, bạn nên chọn loại nguyên kem. Cũng cần lưu ý phân biệt sữa chua được lên men vi sinh với các loại sữa nước có vị chua vì thêm hương liệu hoặc các loại acid mùi táo, chanh… Những loại đó đơn thuần chỉ là sữa bột được pha chế cho phù hợp khẩu vị đa dạng của khách, không chứa men vi sinh với các tác dụng tích cực như đã kể trên.

Mỗi tuần, có thể cho bé dùng khoảng 2-3 lần là tốt nhất. Dùng quá nhiều bé cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa do mất cân bằng men vi sinh hoặc có thể đau dạ dày. Tuy vậy, nếu sau một đợt bé ốm và buộc phải dùng kháng sinh, nên bổ sung men vi sinh cho bé qua sữa chua dùng hằng ngày trong khoảng 5 ngày đến 1 tuần.
Cũng không nên cho bé dùng sữa chua khi bé đói. Vì ngoài lý do bé có thể bị “cào ruột” thì acid trong dạ dày sẽ tiêu diệt hết men vi sinh có trong sữa chua khiến các tác dụng bảo vệ sức khỏe của sữa chua sẽ không còn. Tốt hơn hết là dùng ngay sau bữa ăn, đây là thời điểm lý tưởng để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động.

Tuy không nên cho bé dùng các món ăn quá lạnh, nhưng cũng tuyệt đối không làm nóng sữa chua hoặc chế nước nóng vào, vì như thế, vi khuẩn trong sữa chua sẽ bị “luộc chín”, tác dụng tốt của sữa chua cũng không còn. Sữa chua cũng không nên dùng chung với các loại thuốc vì một số thuốc chứa những thành phần kháng khuẩn sẽ tiêu diệt các lợi khuẩn trong sữa chua. Và tuy sữa chua được làm hoàn toàn bằng sữa nhưng qua quá trình lên men, sữa chua bị mất một số protein và chất béo, vì thế, hàm lượng dinh dưỡng cũng như canxi của nó sẽ ít hơn sữa thông thường.

Một lưu ý sau cùng, sữa chua với các loại vi khuẩn như đã nói, sẽ tàn phá men răng của con bạn nếu bé không đánh rang sau khi dùng. Hiểu rõ về sữa chua cùng các mặt lợi hại của nó, bạn sẽ nhanh chóng tìm ra đâu là điều tốt nhất cho con mình.