Nhận biết và phòng tránh bệnh tay chân miệng

     Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp mắc tay chân miệng làm 29 bệnh nhân tử vong. Đến thời điểm này, bệnh có xu hướng lây lan rộng. Điều đó đòi hỏi người dân, nhất là các bậc cha mẹ cần hết sức cảnh giác vì hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh này.
Hiện nay, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam với 96,6%. Miền Bắc ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 6 tỉnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu là các do nhóm vi rút đường ruột ở người gây ra, thường gặp nhất là chủng vi rút Coxsackie A16 (CA16) và vi rút entero 71 (EV71). Khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

 

Chủng virus EV71 gây nguy hiểm cho bệnh nhi bị tay chân miệng. Ảnh:Internet 


Trên thực tế, vi rút EV71 đã được phát hiện ở TP. Hồ Chí Minh từ năm 2003. Và trong đợt dịch 2005 ở TP.Hồ Chí Minh, có tới 42,1% ca bệnh có liên quan với vi rút EV71 và 52,1% liên quan đến vi-rút CA16. Còn giai đoạn 2007-2009, mỗi năm có hàng chục ngàn ca bệnh, tỷ lệ tử vong là 0,23%. Còn tại miền Bắc, theo báo cáo năm 2008, đã có 55 ca bệnh (1/3 là do vi-rút nguy hiểm EV71) ở 13 tỉnh và không có ca tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút EV71 thường gây bệnh nặng hơn so với các loại khác, nhưng hiện chưa có bằng chứng vi rút EV71 biến chủng và cũng chưa biết mối liên quan giữa các yếu tố như tuổi, giới, vị trí cảm thụ của vi rút… với mức độ nặng của bệnh. Do đó, WHO khuyến cáo: cần phải theo dõi giám sát chặt chẽ sự biến đổi của vi rút và tiến hành các nghiên cứu sâu, toàn diện hơn để hiểu rõ các yếu tố làm cho bệnh nặng, từ đó có cơ sở phát triển vắc xin phòng bệnh.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-5 tuổi. Biểu hiện sớm nhất của bệnh tay chân miệng là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong 1 - 2 ngày sẽ xuất hiện những nốt hồng ban, đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành phỏng nước. Ở miệng có dạng vết loét, có đường kính từ 4 - 8 mm, thường ở phía trong miệng, ở trên lưỡi, tại vòm miệng hoặc ở lợi làm trẻ nuốt đau. Những phỏng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Trẻ sơ sinh có thể có ban dạng sẩn vùng mông hoặc nơi quấn tã lót.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng. Nếu có, chỉ là điều trị các triệu chứng như hạ sốt và giảm đau.

Do vậy người dân nên chủ động phòng bệnh, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chăm sóc cho trẻ. Phải thường xuyên làm sạch các dụng cụ học tập, đồ chơi, đấm cửa… bằng dung dịch Chloramin B 2%. Các dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, cốc… phải được ngâm tráng bằng nước sôi trước khi sử dụng.

Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hành vệ sinh cá nhân. Hạn chế hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bệnh. Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay chân miệng thì không cho trẻ tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi. Cần theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho cơ quan y tế.

Các bệnh nhân phải được cách ly, theo dõi, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Hạn chế sử dụng chung các dụng cụ với trẻ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các gia đình cần bảo đảm nơi ở thoáng mát, sạch sẽ, không cho trẻ ngậm đồ chơi, mút tay để phòng lây nhiễm bệnh.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng nên cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng tốt cho bệnh nhi. Khi có các biểu hiện sốt cao trên 39,5°C, biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như đau đầu, cứng cổ, đau lưng, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh… thì phải đưa bệnh nhi đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời./.