Tiền Giang bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái vú sữa

(THTG) Ngày 01/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức gặp gỡ nông dân trồng vú sữa và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện tại, tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ.

vlcsnap-2018-08-01-14h34m18s540

Quang cảnh buổi họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái vú sữa. Ảnh: Minh Trí

Sau một năm trái vú sữa Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, tỉnh Tiền Giang xuất khẩu được 240 tấn trái, trong khi tổng sản lượng vú sữa toàn tỉnh đạt gần 6.200 tấn/năm. Nguyên nhân sản lượng xuất khẩu chưa xứng đáng với tiềm năng là do còn gặp một số khó khăn như: việc kiểm soát mã số vùng trồng chưa chặt chẽ, các loại bao dùng để bao trái chưa an toàn tuyệt đối với ruồi đục trái, quy trình sơ chế và đóng gói chưa bảo đảm loại bỏ được giòi, trứng giòi trong trái. Ngoài ra, còn một số nông dân chưa thực hiện bao trái vì thiếu nhân công, các loại bao dùng để bao trái hiện nay còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp thu mua khắc khe, nên tỷ lệ trái loại thải còn nhiều, đặc biệt các doanh nghiệp chưa có sự liên kết ngang với nhau trong thu mua vú sữa, nên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá thu mua, cách thu mua, ít nhiều giảm sút lòng tin của nông dân trồng vú sữa,…

vlcsnap-2018-08-01-14h35m42s102

vlcsnap-2018-08-01-14h36m30s447

Những nông dân trồng vú sữa xuất khẩu phát buổi tại cuộc họp. Ảnh:Minh Trí

Từ những khó khăn này, hội nghị thống nhất các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái vú sữa sang thị trường Hoa Kì trong vụ mùa 2018 sắp tới như: Duy trì sản xuất 120 hecta vú sữa đã được cấp mã code, tiếp tục hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại trên trái vú sữa theo hướng an toàn, bao trái bằng loại bao phù hợp để trái không bị nhiễm ruồi vàng… Đặc biệt, Tiền Giang sẽ hỗ trợ nông dân các loại thuốc sinh học, vật liệu bao trái đối với diện tích đã cấp mã code và hỗ trợ doanh nghiệp xác định vùng trồng để được cấp mã code xuất khẩu,…

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng đề xuất Cục Bảo vệ thực vật cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng và cung cấp thông tin về tình hình kiểm dịch thực vật đối với các lô vú sữa không đạt yêu cầu xuất khẩu, để các doanh nghiệp kịp thời chấn chỉnh, nhằm giữ uy tín cho trái vú sữa đối với thị trường Hoa Kỳ và các thị trường cao cấp nước ngoài khác trong thời gian tới.

Kim Nữ