Thể thao và quyền lực mềm

Một lần nữa, SEA Games cho thấy giá trị của nó trong đời sống không chỉ là thể thao mà còn cả chính trị, ngoại giao. Vào phút cuối, Campuchia quyết định không thu phí bản quyền phát sóng, có lẽ cũng đến từ động cơ này.

SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia
SEA Games 32 được tổ chức tại Campuchia

Nước chủ nhà Campuchia được cho là đã chi hơn 100 triệu USD cho SEA Games 32, kỳ đại hội đầu tiên trong lịch sử mà họ nhận quyền đăng cai, mặc dù quốc gia này đã tham gia kể từ năm 1961, tức là từ kỳ đại hội lần thứ 2 đến nay.

Chi phí tổ chức chỉ là một khía cạnh trong tham vọng biến SEA Games thành một sự kiện quảng bá quốc gia của Campuchia. Cách mà Campuchia tổ chức lực lượng an ninh, cho phép học sinh toàn quốc nghỉ học trong thời gian diễn ra đại hội, cũng như số lượng người tham gia trực tiếp vào công tác tổ chức… đã nói lên được sự kỳ vọng của quốc gia này với sự kiện.

Một lần nữa, SEA Games cho thấy giá trị của nó trong đời sống không chỉ là thể thao mà còn cả chính trị, ngoại giao. Vào phút cuối, Campuchia quyết định không thu phí bản quyền phát sóng, có lẽ cũng đến từ động cơ này.

Qatar 2022, kỳ World Cup đầu tiên ở vùng Vịnh, đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Khoản tiền khổng lồ gần 200 tỷ USD mà Qatar đã bỏ ra được xem là khoản đầu tư cho cái gọi là “quyền lực mềm”, điều mà trước đây vẫn là “đặc quyền” của các nước lớn. Nhưng thông qua thể thao, thông qua bóng đá, đã có những dòng chảy mới được nhiều quốc gia đang phát triển tìm thấy con đường phát triển hình ảnh.

Tiêu biểu nhất có lẽ là câu chuyện thời thượng: Lionel Messi và tương lai tại Paris Saint Germain. Hợp đồng cũ của siêu sao lớn nhất thế giới đương đại, nhà vô địch World Cup 2022 với đội bóng của thủ đô Paris, vốn thuộc sở hữu của tập đoàn đầu tư công Qatar, sắp đáo hạn. Như đã biết, Qatar sau World Cup 2022 vẫn chưa có ý định dừng lại chiến lược quảng bá “quyền lực mềm”, nhưng việc một CLB của Saudi Arabia, hàng xóm khổng lồ của Qatar, chiêu mộ C.Ronaldo đã khiến cho người Qatar phải lo ngại.

 Thực tế là CLB Al-Hilal của Saudi Arabia đã xúc tiến đàm phán để đưa Messi về vùng Vịnh, hình thành cuộc đấu với giữa M10 và CR7, nhưng diễn ra trên miền sa mạc. Saudi Arabia cảm thấy khó chịu khi Qatar đang là điểm đến của hàng loạt sự kiện quốc tế lớn nhất châu lục và thế giới. Họ quyết định phải làm điều khác biệt đó là chuẩn bị đăng cai World Cup hoặc một kỳ Olympic trong khoảng 1 thập niên nữa. Họ cần những đại sứ, như trường hợp Qatar dùng David Beckham.

Thế nhưng tại Mỹ, tất cả CLB đang thi đấu ở giải nhà nghề nước này tuyên bố sẽ cùng trả lương cho Messi nếu anh chuyển đến thi đấu cho đội Inter Miami của David Beckham. Mục tiêu vẫn là để Messi quảng bá cho World Cup 2026 sắp diễn ra tại Bắc Mỹ. Người Mỹ đã phát triển bóng đá rất lâu, cũng thu hút được nhiều ngôi sao, nhưng môn chơi này vẫn chưa được phổ biến một cách thực sự. World Cup 2026 là một cơ hội lớn để bóng đá vươn lên vị trí số 1 và người Mỹ cần một cú hích từ ngôi sao lớn nhất, đang chơi ở đỉnh cao như Messi. Hơn nữa, đưa được Messi đến Mỹ cũng là cách để giảm bớt những rủi ro từ sự trỗi dậy “quyền lực mềm” của những quốc gia ở Tây Á…

Đã có lúc Olympic hay World Cup chỉ dành cho những quốc gia lớn, giàu tiềm năng thể thao, nhưng những gì mà Nhật Bản hay Hàn Quốc đã làm ở các kỳ Olympic 1964, 1988 hay World Cup 2022 đã khiến cho các quốc gia nhỏ nhưng đầy tham vọng tìm ra được chân trời của mình.

Nguồn SGGP