Thế giới một tuần không bình an

Thế giới nóng lên trong tuần qua với hàng loạt sự kiện diễn ra tại các khu vực.

 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 21-11, thông qua Dự thảo nghị quyết kêu gọi chống IS. (nguồn: AP/lemonde)
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 21-11, thông qua Dự thảo nghị quyết kêu gọi chống IS. (nguồn: AP/lemonde)

* Cả thế giới sững sờ và bàng hoàng trước sự kiện 13-11, khi tại Paris – “kinh đô ánh sáng” của nước Pháp xảy ra những vụ tấn công khủng bố liên tiếp nhằm vào dân thường, làm 130 người thiệt mạng và khoảng 350 người khác bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào Pháp kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một ngày sau, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên tiếng nhận trách nhiệm đã thực hiện các vụ tấn công này.

Không khí căng thẳng bao trùm toàn nước Pháp trong tuần qua. An ninh xiết chặt, nhiều người dân không dám ra ngoài, các hoạt động bị đình trệ. Lực lượng an ninh, cảnh sát tiến hành chiến dịch truy tìmcác nghi phạm đứng sau vụ khủng bố. Cuộc tập kích vào một căn hộ ở trung tâm thị trấn Saint-Denis (ngoại ô phía bắc Thủ đô Paris) sáng 18-11, kéo dài 7 giờ, với mức độ ác liệt. Lực lượng đặc nhiệm đã sử dụng tới 5.000 viên đạn và 86 quả lựu đạn trong vụ tấn công. Ít nhất hai kẻ khủng bố cố thủ trong căn hộ đã bị chết (trong đó có Abdelhamid Abaaoud, quốc tịch Bỉ – kẻ bị tình nghi là chủ mưu các vụ tấn công khủng bố 13-11 ở Paris), tám người khác liên quan đã bị cảnh sát bắt giữ.

*Ngay sau loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris, suốt tuần qua, vấn đề an ninh được đặt lên hàng đầu tại tất cả các quốc gia, nhất là những nước có liên quan và can thiệp quân sự vào Syria. Nhiều cuộc họp và những cuộc gặp quan trọng đã diễn ra để bàn cách thức ngăn chặn khủng bố. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ (ngày 15 và 16-11), vấn đề chống khủng bố cũng được đưa vào trọng tâm cùng với vấn đề khủng hoảng di cư. Đặc biệt, Hội nghị này đã ra một Tuyên bố riêng về chống khủng bố, cam kết mang lại hòa bình cho Syria, tiêu diệt tổ chức khủng bố IS và giải quyết mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan.

Đáng chú ý là, bên lề Hội nghị G20 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin, và Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho dù có những bất đồng trước đó, nhưng vẫn cùng ngồi lại để trao đổi biện pháp phối hợp chống khủng bố. Lãnh đạo hai nước nhất trí tập trung chống khủng bố, đồng thời thống nhất là một tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria – quốc gia đang chìm trong chiến tranh, bạo lực.

Sau đó, ngày 17-11, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác giữa quân đội và tình báo hai nước nhằm chống lại các nhóm khủng bố tại Syria. Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nga và Pháp đã bắt tay như những đồng minh để cùng phối hợp chống khủng bố.

Trong bối cảnh hiện nay, nước Nga khẳng định vai trò quốc tế quan trọng của mình. Ba mũi nhọn quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố hiện nay là Mỹ, Nga và Phương Tây. Để cuộc chiến chống khủng bố đạt hiệu quả, rất cần sự phối hợp của cả ba bên.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ngày 21-11, cũng đã thông qua Dự thảo nghị quyết kêu gọi các nước thành viên thực hiện các biện pháp cần thiết tiêu diệt lực lượng IS ở Iraq và Syria. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tăng cường phối hợp để ngăn chặn các hành động khủng bố do IS và các nhóm cực đoan khác có liên quan tới lực lượng khủng bố al-Qaeda tiến hành.

*Tuần qua, ngày 20-11, thế giới lại phải chứng kiến vụ tấn công của những tay súng thánh chiến vào khách sạn Radisson ở Thủ đô Bamako (Mali). 170 người có mặt tại khách sạn khi đó đã bị bắt làm con tin. Sau nhiều giờ vây ráp, với sự hỗ trợ của các binh sĩ Liên hợp quốc và lục quân Mỹ, lực lượng đặc nhiệm Mali đã giải thoát toàn bộ con tin. 27 người đã bị thiệt mạng trong cuộc vây ráp này. Ngay sau đó, nhóm thánh chiến al-Mourabitoun đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Al Mokhtar Belmokhtar – Thủ lĩnh của nhóm này, là thành viên thuộc tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda. Sau vụ tấn công, tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn Mali trong 10 ngày.

Cũng liên quan tới khủng bố, ngày 17-11, Cơ quan An ninh Nga xác nhận vụ máy bay của Nga rơi tại Sinai (Ai Cập) trước đó là do bị tấn công khủng bố sau khi phát hiện dấu vết chất nổ trong các mảnh vỡ máy bay.

* Cùng với Hội nghị thượng đỉnh G20, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) khai mạc ngày 18-11, tại Thủ đô Manila (Philippines) cũng là sự kiện nổi bật tuần qua. Hội nghị đã thông qua hai Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn: Tầm nhìn về cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương” và Tuyên bố về việc ủng hộ hệ thống thương mại đa phương và Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới lần thứ 10, cùng hai văn kiện: “Chiến lược APEC về tăng cường tăng trưởng chất lượng” và “Khuôn khổ hợp tác APEC về dịch vụ”. Đoàn Việt Nam, do Chủ tịch nước trương Tấn Sang dẫn đầu, đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp thiết thực vào thành công của Tuần lễ cấp cao APEC (ngày 13 đến 19-11). Thành công của Tuần lễ cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tạo cơ sở tốt cho Việt Nam đóng góp hiệu quả vào tiến trình phát triển của APEC với tư cách là nước chủ nhà của Năm APEC 2017.

* Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 27 (ASEAN 27) và các HNCC liên quan (ngày 21 và 22-11) tại Thủ đô Kuala Lampur (Malaisia) cũng là sự kiện thu hút sự quan tâm của quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, tham dự Hội nghị. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố lịch sử Kuala Lampur về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Kuala Lampur về Tầm nhìn ASEAN 2025 với sự chứng kiến của lãnh đạo các nước đối thoại và Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Như vậy, Cộng đồng ASEAN sẽ ra đời vào ngày 31-12-2015, đưa ASEAN bước sang giai đoạn phát triển mới tiếp tục củng cố và nâng tầm liên kết trên cơ sở phát huy các thành tựu đạt được, đồng thời khẳng định vị thế của ASEAN trong cộng đồng quốc tế.

Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN là một quá trình liên tục và lâu dài, trong đó sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết ASEAN và sự hình thành cộng đồng này có ý nghĩa hết sức to lớn, cụ thể là đã phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau 48 năm hình thành và phát triển vươn lên trở thành một cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả ba trụ cột là: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới.

Cộng đồng ASEAN cũng thể hiện lợi ích, nhận thức, tầm nhìn chung cũng như ý chí, quyết tâm chính trị của các nước thành viên về nhu cầu tăng cường liên kết ở mức cao hơn để kịp thời ứng phó và thích ứng trước các cơ hội, thách thức đặt ra cho khu vực; đưa ASEAN chính thức trở thành một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội, tạo nền tảng quan trọng để ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc liên kết, mang lại lợi ích chung cho tất cả các nước thành viên.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại.

Liên quan vấn đề Biển Đông, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tăng cường tin cậy, hiểu biết lẫn nhau cũng như kiềm chế trong việc triển khai các hoạt động, phù hợp các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đồng thời nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Bên cạnh HNCC ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN có các Hội nghị cấp cao với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

*Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử (ngày 8-11) tại Myanmar được Ủy ban bầu cử liên bang công bố ngày 21-11: Đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành được 886 ghế (77,4%) ở cả ba cấp của Quốc hội. Cụ thể, NLD được 225 ghế tại Hạ viện, 135 ghế Thượng viện và 496 ghế tại nghị viện bang và cấp vùng. Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền chỉ được 118 ghế (10%). Số ghế còn lại do một số đảng nhỏ và năm ứng cử viên độc lập nắm giữ.

Trong tổng số 1.150 ghế Quốc hội Myanmar, có 323 ghế Hạ viện, 168 ghế Thượng viện và 659 ghế nghị viện bang và cấp vùng.

NLD đã giành hơn 50% tổng số ghế Quốc hội, do đó theo Hiến pháp Myanmar, đảng này được quyền thành lập một chính phủ độc lập. Là đảng chiếm đa số, NLD sẽ nắm quyền ở cả Hạ viện và Thượng viện, đồng thời có quyền chỉ định hai ứng viên Phó Tổng thống.

Trong cuộc gặp ngày 19-11, bà Myanmar Suu Kyi và Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann nhất trí đặt trọng tâm hòa giải dân tộc trong tiến trình thành lập Quốc hội mới. Trong tuyên bố chung sau đàm phán tại Nay Pi Taw, hai bên nhất trí hợp tác trong các vấn đề liên quan đến Quốc hội và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác vì mục đích chung. Phiên họp Quốc hội mới tại Myanmar sẽ được tổ chức vào tháng 1-2016; sau đó là bầu cử Tổng thống vào tháng hai và thành lập Chính phủ mới vào cuối tháng ba. Chính phủ hiện nay sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 3-2016.

Nguồn Nhân dân