Thế giới chào đón năm mới 2016: Lo lắng và hy vọng

Năm 2015 đã khép lại với nhiều biến động trên thế giới. Tạm quên đi những âu lo trong cuộc sống thường ngày, người dân tại nhiều quốc gia hòa mình vào những thời khắc cuối cùng để tiễn năm 2015, đón chào năm 2016 với hy vọng về những điều tốt đẹp phía trước.

Âu, Mỹ tăng cường an ninh

Trước nỗi lo về nguy cơ tấn công khủng bố, các nước châu Âu và Mỹ đang trong tình trạng an ninh được thắt chặt trong dịp lễ đón năm mới. Thành phố Bruselles, Bỉ, tuyên bố hủy bỏ tất cả mọi cuộc vui chơi công cộng và luôn cả bắn pháo hoa trong đêm đón chào năm mới 2016.

Tại Pháp, màn bắn pháo hoa tại thủ đô Paris cũng bị hủy bỏ. Hai khu vực tháp Eiffel và đại lộ Champs-Élysées duy trì mức an ninh cao. Pháp hiện vẫn duy trì cảnh báo an ninh sau vụ khủng bố ngày 13-11 khiến 130 người thiệt mạng. Hơn 60.000 cảnh sát được huy động tại các địa điểm nhạy cảm tại Pháp. Nhiều thành phố khác ở châu Âu cũng siết chặt an ninh, tăng cường kiểm tra và giám sát tại địa điểm công cộng, đặc biệt là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng và khu vực có lưu lượng giao thông đông đúc trong dịp năm mới.

Tại Anh, hơn 2.000 binh sĩ đã hoãn nghỉ phép, sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho thủ đô London trong các nghi lễ chào đón năm mới. Động thái của các nước diễn ra sau khi giới chức Áo thông báo những kẻ quá khích có thể tấn công trong thời gian này. Những thiết bị được dùng có thể là vật liệu nổ hoặc súng.

Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva, nơi người dân Nga thường tập trung để cùng nhau đón năm mới bị đóng cửa vào đêm giao thừa do những lo ngại về an ninh. Các máy dò kim loại đã được lắp đặt tại lối vào của các trung tâm thương mại và các nhân viên trông xe được phép kiểm tra những chiếc xe khả nghi.

Tại Mỹ, Cục điều tra Liên bang (FBI) đã tăng cường các đặc vụ với thời gian hoạt động tối đa tại New York, Washington và Los Angeles. Chính quyền New York điều động hơn 6.000 cảnh sát đến Quảng trường Thời đại – nơi tập trung đông người đêm giao thừa cùng đếm ngược đón năm mới. Giới chức Mỹ cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các lực lượng ủng hộ IS có thể sẽ thực hiện nhiều âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ và các mục tiêu của Mỹ ở nước ngoài trong lễ đón giao thừa sang năm mới 2016.

Châu Á tưng bừng với pháo hoa

Với chủ đề “Thành phố của màu sắc”, thành phố Sydney của Australia đón chào năm mới với màn bắn pháo hoa được cho là độc đáo nhất từ trước đến nay. Màn trình diễn bao gồm 11.000 pháo hoa hình vỏ sò, 25.000 hình sao chổi và 100.000 các loại khác. Điểm đột phá của năm nay là hiệu ứng hình ảnh của cầu cảng Sydney theo đúng nghĩa với hình ảnh cả hai tháp cầu lần đầu tiên cùng được thắp sáng, sẽ có các hiệu ứng ánh sáng đặc biệt và thêm 2.400 quả pháo hoa được bắn ra từ phía trên và dưới cầu, cùng với đó là các hiệu ứng pháo hoa mới trên các mái nhà hình cánh buồm của nhà hát Opera Sydney trong thời khắc giao thừa. Ước tính, giới chức thành phố Sydney đã chi hơn 5,1 triệu USD cho màn trình diễn pháo hoa lớn nhất trong năm này. Chính quyền Sydney hy vọng, sự kiện này thu hút hơn 1 triệu du khách từ châu Âu, Á, Mỹ, Trung Đông, châu Phi. Ngoài Sydney, Trung Quốc, Malaysia, Singapore và nhiều quốc gia châu Á khác cũng đồng loạt tổ chức những màn bắn pháo hoa đón chào năm mới.

Bắn pháo hoa mừng năm mới tại Sydney, Australia

Nỗi lo về nguy cơ khủng bố trước thềm năm mới cũng lan sang châu Á. Indonesia hiện đang tăng cường an ninh sau khi phát hiện một số nguy cơ tấn công khủng bố trong năm mới. Chính quyền TP Islamabad của Pakistan đã điều động khoảng 500 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho đêm giao thừa. Cơ quan tình báo Ấn Độ cảnh báo về nguy cơ nhóm Lashkar-e-Taiba (LeT) tiến hành tấn công khủng bố khắp nước này nhân dịp năm mới.

Khoảng lặng vùng chiến sự

Trong không khí đón giao thừa tưng bừng diễn ra tại các quốc gia, ở đâu đó vẫn có những người không may mắn được hưởng niềm vui tưởng như rất đỗi bình thường này bởi họ đang phải sống ở nơi mà chiến tranh, xung đột và nghèo đói bủa vây. Tại Somalia, chính phủ nước này cấm tổ chức tiệc đón mừng năm mới. Quốc gia châu Phi này không có người theo đạo công giáo gốc. Những tín đồ công giáo tại Somalia hầu hết thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi hơn 22.000 người đóng tại Somalia. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là do Chính phủ Somalia lo sợ các bữa tiệc đón mừng năm mới là mục tiêu tấn công của khủng bố. Trong khi đó, Chính phủ Ukraine và phe đòi độc lập ở miền Đông nước này đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn quan trọng vào ngày 23-12 vừa qua. Thỏa thuận bước đầu này “vô cùng cần thiết” để người dân có thể đón Giáng sinh và năm mới trong hòa bình. Đồng thời, tạo ra hy vọng về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm qua tại Ukraine.

Ở Dải Gaza, năm mới đến với con số đầy bi quan về tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới. Bức tường bê tông chia cắt Dải Gaza với Israel, biến vùng đất này trở thành khu vực mà theo cảnh báo của LHQ là khó có thể sinh sống trong 5 năm tới nếu lệnh phong tỏa không được dỡ bỏ. Cũng không thể không nhắc tới những điểm nóng khác trên thế giới hiện nay như Syria, Libya… những nơi mà chắc chắn, người bỏ đi di cư hay người ở lại dù không thể có cái tết sung túc đủ đầy cũng luôn hy vọng, cầu nguyện một năm mới tốt đẹp hơn.

Nguồn SGGP