Quân y nơi tuyến lửa Trường Sơn

thtg

Tập thể cán bộ y sĩ, bác sĩ Đội điều trị 14 trong rừng Trường Sơn năm 1966. Ảnh Tư liệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên đường Trường Sơn huyền thoại, những người lính quân y đã đổ không ít mồ hôi, máu xương, thậm chí cả mạng sống, góp phần vào chiến công chung to lớn của QÐND Việt Nam Anh hùng. Trên những con đường máu lửa ấy, có tập thể Ðội điều trị 14 Anh hùng (Binh trạm 12, Ðoàn 559) cùng hai cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Sống giữa túi bom

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền bắc, không quân Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt nơi này suốt ngày đêm với mưu đồ “chặt đứt cuống họng” của miền nam trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, bằng đủ loại vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ. Ðội điều trị 14 nhận nhiệm vụ cấp cứu, điều trị thương binh, bệnh binh tại các cửa khẩu trên đường chiến lược 12 và 15. Quân số toàn đội ngày ấy khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ, với tinh thần “một người làm việc bằng hai”, phục vụ thường xuyên từ 200 đến 300 thương binh, bệnh binh, có thời kỳ đông lên tới 600 người.

Có những giai đoạn địch đánh phá dữ dội, tuyến đường bị tắc nghiêm trọng, không thể đưa thương, bệnh binh về trung tâm điều trị. Trong tình cảnh bị bắn phá dữ dội suốt ngày đêm, để tiếp cận thương binh mất rất nhiều thời gian. Chưa kể trên đường đi, xe cứu thương bị trúng bom sẽ lại có thêm người bị thương, tổn thất người, xe, thuốc men. Ðội trưởng Lê Văn Ðính đã họp bàn với chỉ huy đội, đề xuất cấp trên ý tưởng táo bạo, chia lực lượng của đội thành chín đội phẫu thuật chốt ngay tại các trọng điểm, áp sát bộ đội, tiếp cận nhanh chóng thương binh, xử lý các vết thương ngay tại trận trước khi chuyển về khu trung tâm. Sáng kiến này được thủ trưởng Binh trạm 12 nhiệt tình ủng hộ. Có những trạm cách xa trung tâm đội 40 km. Nhờ vậy, đã kịp thời cứu sống hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong bị thương, bỏng nặng, nguy kịch, giảm bớt các di chứng vết thương, đỡ tốn kém, giảm tải cho bệnh viện tuyến sau.

Dù khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng tập thể cán bộ, y, bác sĩ vẫn phục vụ thương, bệnh binh hết lòng hết dạ, khắc ghi câu nói của Bác Hồ: “Người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải là người mẹ hiền”, Phải bám sát bộ đội mà phục vụ như chính người thân của mình. Thấm nhuần lời dạy của Người “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, chân lý ấy ngấm vào huyết quản của từng cán bộ, công nhân viên đội điều trị 14. Dù đóng quân tại địa điểm nào, chỉ huy đội cũng chủ động gặp lãnh đạo, chính quyền địa phương bàn bạc phối hợp hoạt động: giữ gìn bí mật nơi đóng quân, nhân dân giúp đào hầm, làm lán trại, đào các phòng chuyên môn dưới lòng đất sâu hai, ba mét, đào hầm hố dọc đường vận chuyển thương, bệnh binh, làm bè mảng chở thương, bệnh binh qua suối mùa mưa lũ, giúp đơn vị tăng gia sản xuất rau xanh, rau, củ, quả. Ðơn vị giúp địa phương đào tạo y tá, khám chữa bệnh, cấp cứu bà con khi bị thương, lương thực khi giáp hạt. Nhờ đó, trong muôn vàn gian khó, có thời điểm trung tâm điều trị ba lần bị máy bay B52 dội bom san phẳng, hay tại những trọng điểm hố bom dày chi chít, hố sau toác rộng chồng lên hố trước, nhưng tập thể y, bác sĩ vẫn bám trụ kiên cường, tiến hành mổ, cấp cứu nhiều thương, bệnh binh thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Những tấm lòng cao cả

Trong gian khó, trong đau thương và mất mát, xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, y, bác sĩ với những nghĩa cử cao đẹp. Ðó là nữ y tá Phan Thị Như Lâm, trong tay luôn thường trực cây kéo, chiếc lược đến từng lán trại cắt tóc, làm đẹp cho thương binh, vừa làm vừa hát vang khiến bao đau đớn của thương bệnh binh như tan biến. Y tá Ðỗ Thị Tỵ bị sốt rét ác tính, tóc rụng vẫn hăng say, quên mình phục vụ thương binh. Y sĩ Trần Ðăng Hức bị thương nặng, bác sĩ Kiểm bị ốm nặng, nhưng khi được cấp trên đưa ra tuyến ngoài để điều trị và công tác thì nhất quyết xin ở lại. Ðội phó kiêm Trưởng ban Ngoại đội điều trị 14, bác sĩ Tạ Lưu luôn xung phong tới các tuyến đường trọng điểm, với “đôi tay vàng” của mình, ông cùng đội phẫu thuật cứu sống hàng nghìn bệnh nhân…

Còn rất nhiều, rất nhiều gương mặt khác, dù ăn uống kham khổ, làm việc bất kể đêm, ngày vẫn vui vẻ hai, ba lần hiến dâng những giọt máu của mình để cứu sống thương binh nặng.

Giữa mưa bom, bão đạn, giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, tình người tỏa sáng. Họ không chỉ nhường cơm, sẻ áo mà còn sẵn sàng nhường mạng sống cho nhau.

Có lần đội trưởng Lê Văn Ðính được lệnh hộ tống một số thương, bệnh binh đặc biệt ra tuyến sau. Khi phà vừa rời bến sông Gianh chưa xa thì đàn máy bay Mỹ lao đến, điên cuồng bắn phá, pháo sáng thả đầy trời. Ông cùng y tá Quyết tiêm thuốc giảm đau và an thần cho thương binh, cùng lái xe khiêng thương binh xuống gầm xe. Rồi cả ba người nằm đè lên chiến sĩ bị thương, tránh cho họ không bị thương thêm lần nữa. Hành động cao quý này gây xúc động mạnh mẽ và cảm phục cho nhiều người đêm ấy. Trong những năm tháng phục vụ ở Ðội điều trị 14 trên tuyến lửa, nhiều người được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng, Huân chương Chiến công, có người ba lần được tặng Huân chương Chiến công như y sĩ Hoàng My. Phải chăng, đó là bài học về sự đoàn kết, sức mạnh của tình đồng chí, đồng nghiệp, đồng đội thân thương đã góp phần làm nên những kỳ tích trên con đường huyền thoại.

Ngày 31-12-1973, Ðội điều trị số 14 đã được Ðảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ðiều đặc biệt tự hào, vinh dự là bác sĩ, Ðội trưởng Lê Văn Ðính, bác sĩ, Ðội phó Tạ Lưu lần lượt được nhận danh hiệu cao quý này.

Những “viên gạch đỏ” lát đường Trường Sơn

Chiến tranh lùi xa tròn bốn thập kỷ, hai bác sĩ, anh hùng của Ðội điều trị 14 đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Ðất nước sạch bóng quân thù, hai ông trở về tiếp tục cống hiến tài năng, tâm huyết cho ngành y quân đội. Anh hùng Tạ Lưu nhận chức Viện trưởng Viện quân y 110, giờ sum vầy cùng cháu con tại Thị Cầu, Bắc Ninh. Nhắc về những kỷ niệm của những ngày chiến tranh ác liệt, về đồng đội, nhất là những người mãi mãi nằm lại chiến trường, ông khóc nức như một đứa trẻ. “Bảy năm liền, đơn vị luôn đạt danh hiệu quyết thắng. Nhưng có những người con mãi mãi không về. Các anh chị: Chè, Sửu, Cự, Sang, Bộ, Ðiền, Thiện, Hội, Tuấn, Hiên, Dũng, Vĩ, Huyên, Lộc… đã đóng góp xương máu của mình, làm nên những “viên gạch đỏ” lát đường Trường Sơn, đưa Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Họ mới chính là những người anh hùng, chúng tôi chỉ là người đại diện nhận lấy vinh dự ấy mà thôi”.

Còn bác sĩ Lê Văn Ðính, người anh cả của Ðội điều trị trở về giữ chức vụ Viện phó, Chính ủy Viện quân y 108. Hai con gái của ông giờ nối nghiệp cha, trở thành bác sĩ ở Bệnh viện 108. 40 năm trôi qua, ông vẫn nhớ như in từng gương mặt đồng đội năm xưa, nhớ từng địa danh Cổng Trời, Khe Ve, Bãi Dinh, Ðá Ðẽo… hay Lùm Bùm, Siêng Phan… trên đất bạn Lào, nơi ông cùng đồng đội bám sát các tổ điều trị đóng quân tại các tuyến trọng điểm vô cùng ác liệt. Vị đại tá nghẹn ngào: “Xin hãy nhắc nhiều tới đồng đội đã cùng chúng tôi vào sinh, ra tử. Xin đừng bao giờ lãng quên những người đã nằm lại nơi này”. Ông kể: “Có những đợt B52 rải thảm, đường tắc, thương binh, bệnh binh dồn lại tới 600 người, trong đó có 120 bệnh nhân nguy kịch. Toàn thể cán bộ, y bác sĩ đã đứng cầm dao mổ suốt ba đêm, ba ngày cho tới khi hết thương binh chuyển về mới thôi. Ngày đó, chúng tôi cũng có chế độ cấp phát thuốc theo tiêu chuẩn, nhưng khi tiếp nhận nhiều thương binh, bệnh binh, tất cả đều nhường cơ số thuốc của mình cho họ. Chỉ có tình người mới giúp chúng tôi có nghị lực phi thường vượt qua gian khó”.

Có một điều đặc biệt, khi đã buông dao mổ, cả hai ông liền cầm bút, dành tâm huyết trong quãng đời còn lại viết về những chiến sĩ quân y nơi tuyến lửa. Các ông coi đó là trách nhiệm đối với đồng đội đã khuất, với hy vọng những tấm gương thầm lặng ấy sẽ góp phần “đánh thức” những y, bác sĩ trong cơ chế thị trường lúc nào đó đã lãng quên lời thề Hy-pô-crát.

Nguồn nhandan.com.vn