Olympic hạ màn, Mỹ trở lại ngôi số 1

        VĐV Nhật Bản Narumi Kurosu là người cuối cùng cán đích 5 môn phối hợp hiện đại nữ vào lúc 22h (giờ Hà Nội), chính thức khép lại Olympic 2012 - nơi đoàn Mỹ đã giành ngôi vô địch.

2-jpg-1344798659-1344798981_480x0.jpg

Laura Asadauskaite (Lithuania) là nữ VĐV giành HC vàng cuối cùng của Olympic 2012 trên đường đua  5 môn phối hợp hiện đại nữ.

Khởi đầu trước lễ khai mạc 2 ngày bằng các trận bóng đá nữ, Olympic 2012 chính thức khai mạc ngày 27/7 và trải qua một chuỗi ngày thi đấu cực kỳ sôi động, hấp dẫn với hơn 10.000 VĐV của 204 đoàn tham gia tranh tài. 26 môn thể thao hoàn tất phần thi đấu và 302 bộ huy chương đã xác định được chủ nhân.

Sau khi mất ngôi vô địch toàn đoàn về tay Trung Quốc tại Olympic Bắc Kinh 2008, đoàn Mỹ đến London với thành phần 530 VĐV, tham dự 25 môn (trừ bóng ném) và giành lại ngôi số 1 với thành tích 46 HC vàng - 29 HC bạc - 29 HC đồng.

Để đòi lại ngôi vương, đoàn Mỹ đã trải qua một cuộc rượt đuổi vất vả với Trung Quốc và chỉ vượt lên được ở 4 ngày thi đấu cuối. Mỏ vàng của Mỹ tại Olympic lần này là bơi lội (16 HC vàng) và điền kinh (9 HC vàng). Họ còn thành công bất ngờ ở môn thể dục dụng cụ và quần vợt - mỗi môn 3 HC vàng, đồng thời toàn thắng môn bóng rổ (2 HC vàng nam, nữ), lần thứ 3 bảo vệ thành công ngôi vô địch bóng đá nữ và bóng chuyền bãi biển nữ.

Đứng ở vị trí thứ 2 là đoàn Trung Quốc, một thế lực đang lên trong tốp đầu của thể thao thế giới. Trung Quốc chỉ cử đến London 380 VĐV, dự 23 môn và nhẹ cân hơn Mỹ nếu so sánh về lực lượng.

Tổng thành tích của Trung Quốc tại Olympic 2012 là 38 HC vàng - 27 HC bạc - 22 HC đồng. Trung Quốc trắng tay ở môn điền kinh, nhưng bất ngờ có tới 5 HC vàng bơi. Sức mạnh của Trung Quốc ở các môn cầu lông, bóng bàn, nhảy cầu, cử tạ và thể dục vẫn tiếp tục được phát huy.

1-jpg-1344798602-1344798981_480x0.jpg

Đoàn Anh đã có kỳ Olympic thi đấu thành công nhất trong lịch sử.

Ở phía dưới, đoàn Nga lần đầu tiên văng ra khỏi Top 3 sau 60 năm. Nhưng họ đã có một cuộc trở lại thần kỳ sau màn thi đấu thất bát ở nửa đầu Olympic. Từ vị trí thứ 10, đoàn Nga đã liên tiếp giành HC vàng trong những ngày cuối để nâng thành tích lên 24 HC vàng - 25 HC bạc - 33 HC đồng, đứng hạng 4 chung cuộc.

Nguyên nhân thất bại của đoàn Nga chính là sự nỗ lực và tinh thần thi đấu lên cao của các VĐV chủ nhà. Đoàn Anh đã có một kỳ Olympic thành công nhất từ trước tới này. Đặt mục tiêu giành 48 HC, nhưng đoàn Anh đã làm được điều kỳ diệu hơn thế. Họ đứng hạng 3 chung cuộc với 29 HC vàng - 17 HC bạc - 19 HC đồng (tổng cộng 65 HC).

Một trong những đoàn có sự thăng tiến lớn ở Olympic năm nay là Hàn Quốc. Với 13 HC vàng - 8 HC bạc - 7 HC đồng, Hàn Quốc đã vượt qua Đức để giành vị trí thứ 5 chung cuộc. Không tính việc họ từng giành hạng 4 năm 1988 khi trở thành chủ nhà Olympic, đây là thành tích cao nhất của thể thao Hàn Quốc trên đấu trường đỉnh cao thế giới.

Thành tích của Hàn Quốc đến từ các môn bắn cung (3 HC vàng), bắn súng (3) đấu kiếm (2), Judo (2)… Nhưng bất ngờ nhất là việc họ chỉ giành 1 HC vàng taekwondo - môn võ thuật truyền thống của xứ kim chi.

Ngược lại, Nhật Bản đang đà thụt lùi trong 3 kỳ Olympic gần đầy. năm 2004, họ đứng thứ 5, lùi xuống 3 bậc năm 2008 và dừng bước ở vị trí thứ 11 năm 2012.

4-jpg-1344798939-1344798981_480x0.jpg

Đội tuyển bóng rổ nam chốt tấm HC vàng thứ 46 cho đoàn Mỹ trong ngày thi đấu cuối.

Olympic năm nay có 50 đoàn giành HC vàng, nhưng khu vực Đông Nam Á không có đại diện nào góp mặt trong Top 50. Khu vực này chỉ có 3 đoàn có HC.

Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á có thứ hạng cao nhất (57) và giành 2 HC bạc - 1 HC đồng, kém xa thành tích 2 HC vàng - 2 HC bạc tại Bắc Kinh 2008. Indonesia và Malaysia đồng hạng 63 với 1 HC bạc - 1 HC đồng.