- Tỷ lệ lương hưu của người Việt Nam cao nhất thế giới - Vòng tứ kết Cúp Quốc gia 2023/2024 sẽ có 2 trận đấu được áp dụng công nghệ VAR. - Công bố thành lập thành phố Bến Cát trực thuộc tỉnh Bình Dương - Trao tặng 1.000 bình nước uống cho người dân huyện Gò Công Đông - Tuyên phạt ông Trần Quí Thanh 8 năm tù. - Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đắc cử Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029. - Tỷ lệ lao động lĩnh vực nông nghiệp có việc làm sau đào tạo đạt từ 80% đến 85% - Xâm nhập mặn tại ĐBSCL ngày càng gay gắt, bất thường - Tiền Giang: Sẵn sàng tiêm 5.370 liều vắc xin 5 trong 1 cho trẻ trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. - Giá xăng dầu giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ. - ĐBSCL: Số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh…

Những điểm nhấn từ các Hội nghị Tài chính ASEAN

Trong các ngày 3 và 4/4, tại thủ đô Viên Chăn (Lào) đã diễn ra các Hội nghị Tài chính ASEAN (Hội nghị lần thứ 20 – AFMM 20 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 2 – AFCGM 2).

Đây là năm đầu tiên triển khai các công việc tài chính của AEC, những điểm nhấn tại các Hội nghị được giới chức tài chính và dư luận đặc biệt quan tâm.

Các đại biểu quốc tế tham dự gồm có: IMF, WB, ADB, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO) và quan chức tài chính ngân hàng các nước thành viên.

Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (ngoài cùng, bên phải) chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.
Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Từ đánh giá tình hình chung…Hội nghị đã ghi nhận, mức tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm 2015 (năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2016) là 4,4%, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, kể cả nền kinh tế Mỹ cũng không đạt được mức kỳ vọng như dự báo hồi đầu năm mới.

Hội nghị cũng khẳng định rằng: “nhu cầu nội địa vẫn tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của các nền kinh tế các nước thành viên AEC”. Sự bất ổn bên ngoài vẫn là những thách thức lớn cho nền kinh tế của AEC trong thời gian tới.

Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa và việc sử dụng các công cụ tài chính cẩn trọng để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và ổn định nền tài chính vĩ mô. Theo đó, tái cơ cấu kinh tế vẫn được xác định là ưu tiên hàng đầu của AEC.

Gia tăng hợp tác và triển khai mạnh các sáng kiến hội nhập, để duy trì sự phát triển ổn định của khu vực trước những tác nhân bên ngoài được Hội nghị nhất trí cao.

ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong việc giám sát kinh tế tài chính nhằm phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ những yếu tố tiền khủng hoảng khu vực.

Đến lộ trình hội nhập…

Chủ tịch Hội nghị cũng đã báo cáo về tiến độ triển khai các sáng kiến trong kênh hợp tác tài chính ASEAN như: Cơ chế tài trợ cơ sở hạ tầng; Hợp tác về bảo hiểm, hải quan, chống rửa tiền, khủng bố và thuế… làm cơ sở cho các cuộc thảo luận.

Về tài chính toàn diện: Ủy ban công tác về Tài chính toàn diện (WC-FINC) đã được thành lập với vai trò hỗ trợ mở rộng tiếp cận tài chính toàn diện trong khu vực ASEAN để cải thiện tăng trưởng kinh tế, xóa nghèo và giảm bất bình đẳng về thu nhập.

Các Bộ trưởng đã tái khẳng định cam kết đưa tài chính toàn diện là một trong những ưu tiên chính sách và là một trụ cột trong hợp tác tài chính ASEAN trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể về AEC 2025.

Về phát triển thị trường vốn: Hội nghị khẳng định sẽ thúc đẩy kết nối thị trường khu vực thông qua tạo môi trường hội nhập, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng. 13 quỹ đạt chuẩn ASEAN, tham gia Cơ chế đầu tư hỗn hợp (CIS) nhằm thúc đẩy các giao dịch qua biên giới đối với dịch vụ chứng khoán cũng được Hội nghị ghi nhận và đánh giá tích cực.

Về tự do hóa tài khoản vốn: Các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng trung ương cam kết sẽ tiếp tục dỡ bỏ những hạn chế còn tồn tại đối với thương mại và đầu tư trực tiếp (FDI). Đầu tư gián tiếp (FPI) và các luồng vốn khác cũng sẽ tiếp tục được tự do hóa tùy vào điều kiện của từng quốc gia cùng với các biện pháp phòng vệ thích hợp.

Về dịch vụ tài chính: Gói cam kết 7 về Tự do hóa dịch vụ tài chính sẽ ký kết trong năm 2016. Theo đó, 8 nước thành viên AEC đã tự do hóa hoàn toàn theo phương thức cung cấp qua biên giới đối với dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường không và quá cảnh, tiếp tục hỗ trợ cho thương mại nội khối. Các vòng đàm phán trong năm 2016 sẽ mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ tài chính, với trọng tâm là tự do hóa dịch vụ bảo hiểm trong AEC.

Lĩnh vực hải quan: Các nước đã hoàn tất việc ký kết Nghị định Thư về Khung Pháp lý để áp dụng triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi hơn nữa hoạt động thương mại hàng hóa trong khu vực. Các nước thành viên ASEAN tiếp tục cam kết tích cực triển khai Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Một cửa quốc gia.

Trong lĩnh vực thuế: Đã có 9/10 nước ASEAN đã hoàn tất hiệp định thuế song phương. Các nước đã khởi động thảo luận về vấn đề đảm bảo nguồn thu và chống chuyển giá nhằm củng cố tài khóa của các nước thành viên.

Tài trợ cơ sở hạ tầng: Quỹ Cơ sở hạ tầng (AIF) có vai trò quan trọng để tăng cường kết nối vật chất và thu hẹp khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Theo đó, AIF đã tài trợ vốn cho 7 dự án cơ sở hạ tầng và tiếp tục thúc đẩy các dự án mới.

Và kế hoạch hành động…

Hội nghị cũng đã thảo luận về Kế hoạch hành động chiến lược hội nhập tài chính ASEAN tầm nhìn 2025. Đây sẽ là tài liệu cơ sở để định hướng hoạt động hội nhập và hợp tác tài chính ASEAN trong 10 năm tới nhằm hướng tới sự ổn định, toàn diện và hội nhập tài chính.

Các Bộ trưởng tài chính ASEAN đã nhất trí tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMIS) lần thứ 11 trong năm 2016 để quảng bá ASEAN là một điểm đầu tư hấp dẫn và khẳng định AFMIS là sự kiện quan trọng để đối thoại với các bên đối tác, các nhà đầu tư về tình hình phát triển và năng lực cạnh tranh trong đó có triển vọng và cơ hội tiềm năng kinh doanh tại ASEAN.

Bên lề Hội nghị, các Bộ trưởng đã có buổi gặp gỡ với Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN, Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN để tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, EU và ASEAN thông qua các chủ đề: “thuận lợi hóa thương mại, đối thoại giữa khu vực công và tư, tài chính toàn diện và hội nhập tài chính ASEAN”.

Như vậy, Hội nghị tài chính đầu tiên kể từ khi thành lập AEC (31/12/2015) đã kết thúc. Trên cơ sở nội dung bàn thảo với kết quả đạt được sau thời gian làm việc cho thấy những điểm nhấn mà Hội nghị thể hiện như: khẳng định động lực nội khối, tác nhân bên ngoài, vai trò giám sát, lộ trình hội nhập… đã cho thấy quyết tâm chiến lược và hành động thực tiễn của lãnh đạo cấp cao ngành Tài chính ASEAN, khiến giới nghiên cứu tài chính và dư luận rất quan tâm là có cơ sở./.

Nguồn dangcongsan.vn

0 Bình luận

Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.

Gửi bình luận

 


 
*