Nghề khảm xà cừ trên đất Gò Công

(THTG) Khảm xà cừ (hay cẩn xà cừ) là một nghề thủ công truyền thống lâu đời ở vùng đất Gò Công và chắc có lẽ, nghề này ra đời gắn liền với nghề đóng tủ thờ Gò Công nổi tiếng.

Nguyên liệu để khảm được lấy từ vỏ của loại ốc xà cừ, đây là loại ốc biển có màu sắc lóng lánh. Theo kinh nghiệm dân gian, tùy vào loại lớp xà cừ càng dày, càng phản chiếu màu sắc phong phú thì giá trị càng cao. Để có mảnh xà cừ hoàn chỉnh để khảm vào tủ thờ, người thợ phải làm nhiều công đoạn: từ chẻ vỏ ốc thành mảnh; mài sạch lớp vỏ ngoài chỉ giữ lại lớp xà cừ sáng bóng; cắt theo thớ, hơ, ép mảnh xà cừ cho thật phẳng… đến phân loại theo màu sắc khác nhau.

Khi đã có mảnh xà cừ chất lượng xong thì chưa đủ, mà vật dụng dùng để khảm phải được chế tác từ những loại gỗ tốt. Có vậy thì tác phẩm khảm xà cừ mới lưu giữ được lâu bền. Chỉ có dân trong nghề mới nhận biết nguyên liệu, độ tuổi của xà cừ, độ tinh xảo trong chi tiết, hài hòa màu sắc của xà cừ và tính thẩm mỹ thật sự của món đồ vật được khảm. Phần lớn các khâu khảm xà cừ đến nay vẫn làm bằng thủ công, đây là điểm độc đáo không phải ai cũng học và làm được.

images1268631_dd

Khảm xà cừ – Công đoạn quan trọng để tạo nên chiến tủ thờ Gò Công. Ảnh: Báo Ấp Bắc

Có hai hình thức khảm là khảm chìm (xà cừ được gắn chìm xuống bề mặt gỗ) và khảm nổi (xà cừ được tạo hình 3 chiều và gắn nổi trên bề mặt gỗ). Theo truyền thống, khảm xà cừ có tất cả 6 khâu từ vẽ mẫu, cưa ốc, đục, tách, gắn, cho đến khau cuối cùng là sơn. Tất cả phải làm bằng tay một cách tỉ mỉ, trong đó khâu “tách” chỉ dạy cho con cháu trong nhà chứ không dạy cho người ngoài. Vì vậy, muốn định giá một sản phẩm khảm xà cừ rất khó. Tuy nhiên ngày nay, các công đoạn khảm xà cừ đã được cải tiến rất nhiều, có thể kể đến một số công đoạn cơ bản sau:

Đầu tiên, người nghệ nhân phác thảo bản vẽ hay còn gọi là vẽ kiểu. Do tính quan trọng của bước này, mỗi nét vẽ đều phải được tính toán chi li sao cho tỉ lệ từng cảnh vật cân đối với bố cục bức tranh.

Thứ hai, đó là chọn nguyên liệu. Đây là công đoạn “dễ mà lại khó”, bởi không yêu cầu người nghệ nhân làm việc tỉ mỉ mà lại đòi hỏi một bề dày kinh nghiệm trong nghề. Mỗi miếng ốc xà cừ đặt đúng vị trí sẽ toát lên hồn của bức tranh.

Tiếp theo, vẽ mẫu lên nguyên liệu xà cừ và cắt (người trong nghề thường mộc mạc gọi là thợ cưa). Để có những đường cắt sắc sảo, người nghệ nhân phải trải qua quá trình miệt mài tự rèn luyện tay nghề trong khoảng từ 4 đến 6 năm.

Sau đó, ghép xà cừ đã cắt. Từng mảnh xà cừ rất nhỏ sẽ được ghép lại với nhau tạo thành hình thù cụ thể, ví dụ như: Từng cách hoa sẽ được ghép lại thành bông hoa, từng chiếc lá sẽ được ghép thành tán cây. Vì thế, ở công đoạn này yêu cầu người nghệ nhân thật sự nghiêm túc làm việc và luôn sáng tạo ra cách ghép mới, lạ mắt nhưng vẫn thể hiện chi tiết như bản vẽ.

Kham xa cu.png

Tủ thờ Gò Công sau khi đã khảm xà cừ hoàn chỉnh. Ảnh: Lê Hồng Quân

Không chỉ am hiểu và sử dụng thành thạo các loại công cụ mà thợ khảm xà cừ còn phải có óc thẩm mỹ tinh tế. Tùy mục đích sử dụng, kích thước của món đồ, giá cả khách hàng yêu cầu và vị trí cần khảm, người thợ lựa chọn phác họa những bức tranh theo chủ đề và độ tỉ mỉ khác nhau như: tứ quý, tứ linh, ngũ phúc, bát tiên, thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, làng quê yên bình… Để thể hiện được cái hồn của bức tranh, người thợ phải tỉ mỉ khắc từng đường nét, càng chi tiết thì tranh càng đẹp và những công đoạn này được làm hoàn toàn là thủ công.

Một trong những nét đẹp độc đáo của tủ thờ là những miếng ốc xà cừ qua thời gian đã lên nước, bóng lộn, bắt ánh sáng cực nhạy. Dù trong bóng tối, cái tủ thờ cẩn ốc vẫn toát lên vẻ uy nghi với những sắc màu lấp lánh.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề khảm xà cừ trên tủ thờ ở đất Gò Công vẫn liên tục kế thừa tinh hoa từ đôi bàn tay khéo léo của cha ông và ngày càng phát triển, hòa nhập với xu thế hiện đại.

 Lê Hồng Quân