Mong muốn một bản Luật đất đai (sửa đổi) có tính hoàn thiện cao nhất

Chia sẻ xung quanh nội dung lấy ý kiến đóng góp của toàn dân vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp bày tỏ mong muốn từ các ý kiến đóng góp của nhân dân, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội một bản Luật đất đai (sửa đổi) hoàn thiện cao nhất.

 

 Làm quy hoạch tốt để tránh tình trạng lãng phí (Ảnh minh họa: HNV)

Đồng chí Huỳnh Văn Tiếp cho biết, qua theo đõi tình hình triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố, nhìn chung, các ý kiến đóng góp đều bày tỏ sự nhất trí cao đối với việc cần thiết phải sửa đổi Luật đất đai cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng bản Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được bổ sung nhiều quy định mới bao gồm các quy định về quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, đặc biệt, lần này nhiều quy định quan trọng, thiết yếu có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được xây dựng thành những chương riêng biệt trong đó có quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư nhằm quy định cụ thể, chi tiết hơn nội dung này. Đáng chú ý, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về tài chính, về giá đất…

Cần bổ sung thêm nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất về cơ bản vẫn được giữ như Luật đất đai 2003, nhưng có bổ sung một số điểm mới như: có việc lấy ý kiến nhân dân trong lập quy hoạch sử dụng đất; quy định người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất và không bị hạn chế về quyền sử dụng đất trong trường hợp các dự án, công trình đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất và đã công bố phải thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất. Theo đồng chí Huỳnh Văn Tiếp, đây là điểm mới, đảm bảo Nhà nước thực hiện đúng, đủ quyền của người sử dụng đất theo quy định, hạn chế tình trạng quy hoạch “giữ đất”, làm đất đai bị bỏ hoang, người dân không sản xuất kinh doanh được ngay trên mảnh đất của mình, gây tốn kém và lãng phí cũng như gây bức xúc trong nhân dân.

Tuy nhiên, hiện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập trước hay quy hoạch chung xây dựng được lập trước đó là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cần làm rõ các căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để giải quyết vấn đề trên. Theo Dự thảo, căn cứ trước tiên là phải quy hoạch sử dụng đất cập quốc gia, sau đó là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế – xã hội cấp tỉnh; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực… Điều này đồng nghĩa với việc quy hoạch, phát triển ngành, lĩnh vực trong đó có quy hoạch chung xây dựng là căn cứ để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Do vậy, cần bổ sung quy định nhằm xác định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải được lập sau quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế – xã hội cấp tỉnh rồi mới đến quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, tránh chồng chéo nhằm thống nhất trong quản lý.

Điều chỉnh bảng giá đất 5 năm một lần thay vì mỗi năm một lần

Bảng giá đất là một nội dung quan trong trong Luật đất đai, đây là cơ sở để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, tính phí và các lệ phí liên quan đến đất đai… Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước hàng năm đều có ban hành bảng giá đất riêng cho địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, bảng giá đất Nhà nước ban hành luôn luôn thấp hơn giá thị trường giao dịch bên ngoài, do đó, dẫn đến những khiếu nại, tố cáo kéo dài về đất đai…

Trong Dự thảo lần này, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án đối với bảng giá đất, qua triển khai ý kiến lần này, phần lớn nghiêng về phương án 2 do giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sẽ phù hợp với giá thị trường, khắc phục được tình trạng thất thu ngân sách nhà nước và bảo đảm được quyền lợi của người có đất bị thu hồi, góp phần hạn chế khiếu nại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và phù hợp cách làm của các quốc gia trên thế giới.

Giải quyết tốt các mối liên hệ về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Các nội dung về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là vấn đề bất cập và là nguyên nhân chủ yếu của các khiếu nại, khiếu kiện liên quan tới đất đai thời gian qua. Do đó, để khắc phục tình trạng này, cần thiết quy định cụ thể đối với các dự án đầu tư kể cả dự án, công trình phúc lợi công cộng hoặc dự án khu dân cư, khi thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều áp dụng cùng một chính sách, không nên để tự thỏa thuận như thời gian qua. Làm được như vậy thì mới đảm bảo ổn định tình hình và nguyên tắc định giá đất mà Dự thảo lần này đang luật hóa đồng thời cũng hạn chế các vấn đề tiêu cực, không công bằng do thỏa thuận.