Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

       Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

 

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Hội nghị.

Ảnh: BL.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đã báo cáo tóm tắt kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và một số nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý. Theo đó, hiện đã có 6.958.848 lượt ý kiến đóng góp cho Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, chương 6 về “Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” có đến 1.991.176 lượt ý kiến. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và giải trình chi tiết đối với từng ý kiến góp ý.

Theo Bộ TN&MT, việc thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu nhằm bảo đảm cho Nhà nước chủ động trong khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Người sử dụng đất được giao các quyền sử dụng đất và được Nhà nước bảo đảm việc thực hiện các quyền này; đồng thời, có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tại Hội nghị, đa số ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về điều tiết địa tô chênh lệch phát sinh khi chuyển mục đích sử dụng đất, cơ quan soạn thảo đề nghị giữ quy định như dự thảo Luật. Đó là, Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại. Việc thực hiện quyền điều tiết của Nhà nước đối với trường hợp này được thể hiện cụ thể thông qua chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất; chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà  nước thu hồi đất và chính sách thuế liên quan đến đất đai.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng. Việc sửa đổi Luật Đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước. Yêu cầu của việc sửa đổi là phải giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay, đặc biệt là trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giá đất; đồng thời, phải giải quyết được những phát sinh trong thực tiễn./.

Thông qua Hội nghị này, Bộ trưởng mong nhận được nhiều ý kiến góp ý của các vị Đại biểu Quốc hội và đại biểu các tỉnh để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5./.